Nguồn năng lượng mới cho đất nước
Không chỉ có nhiệt điện, thủy điện, tới nay Việt Nam đã và đang phát triển năng lượng xanh - năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời. Những điểm nghẽn phát triển năng lượng xanh đã và đang dần được khai thông và chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về khả năng dồi dào về năng lượng của đất nước.
Tiềm năng lớn
Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, lợi thế về bờ biển dài hơn 3.200 km và tốc độ gió trung bình mạnh, tiềm năng phát triển điện gió ở Việt Nam cũng rất lớn. Nếu như tận dụng được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu này để phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho nước nhà, sẽ không chỉ đảm bảo được bài toán cung - cầu điện mà còn giảm thiểu được những nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện được nhắc đến nhiều thời gian qua.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 được đánh giá là góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững, mở đường cho một thời kỳ phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta trong những năm tới.
Nếu như nhìn vào bức tranh an ninh năng lượng của Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Song, trên thực tế, những bất cập liên quan đến môi trường của các nhà máy nhiệt điện than đã được bộc lộ. Chính vì thế, xu hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.
Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo.
“Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời” – Bộ Công thương nêu rõ.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Nam, cụ thể là Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam cũng được đánh giá là có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các đảo.
Tuy nhiên, thời gian qua, với những chính sách ưu đãi, ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta đã chứng kiến một thực trạng, các dự án năng lượng tái tạo phát triển một cách ồ ạt, tập trung dồn dập tại các địa phương có lợi thế về lĩnh vực này, dẫn đến tình trạng thừa công suất, quá tải khi đưa lên hệ thống truyền tải điện, do cơ sở hạ tầng truyền tải điện chưa thể đáp ứng được hết lượng công suất phát triển một cách dồn dập. Đơn cử như tình trạng thừa công suất điện mặt trời mái nhà thời gian qua, dẫn đến tình trạng lãng phí công suất của nhiều chủ đầu tư.
Theo lý giải của ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), với những dự án điện mặt trời, tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng nhưng với đường dây truyền tải, thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, dẫn đến sự không tương thích về đầu tư, và hệ quả là nhiều nhà đầu tư bị thừa công suất.
“Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải; nhiều dự án của tư nhân cũng được triển khai nên cơ bản đến nay, quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”- ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định, đồng thời nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ Công thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây.
Tháo gỡ rào cản
Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thực tế, hiện nay chưa có lưới điện riêng đối với năng lượng tái tạo. Các dự án điện gió, điện mặt trời khi xây dựng sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành rất nhanh chóng, trong khi để chuẩn bị lưới điện cho truyền tải, từ khâu quy hoạch đền bù giải phóng mặt bằng cho đến đầu tư xây dựng lại mất một khoảng thời gian rất dài.
Đây chính là điểm “vênh” trong bài toán phát triển năng lượng tái tạo mà chúng ta vấp phải thời gian qua. Dù với việc vào cuộc rà soát lại các dự án năng lượng tái tạo của mình, ngành điện đã giảm thiểu những áp lực trong việc thừa công suất điện mặt trời, song về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới, cần giải quyết được vấn đề về nguồn vốn, vì đây mới là điểm mấu chốt. Bởi theo tính toán của ngành điện, với nhu cầu phụ tải duy trì ở mức cao, công suất lớn, nhu cầu về vốn là vô cùng lớn, mỗi năm cần 12-13 tỷ USD, đây là một thách thức không hề “dễ dàng”.
Nói về mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ai cũng khẳng định tính cần thiết của các loại hình điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, bởi những đặc tính ưu việt của các loại hình năng lượng này vượt trội hơn hẳn so với nhiệt điện, thủy điện...
Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo còn tạo ra động lực phát triển mới, giúp thu hút đầu tư FDI và thu hẹp khoảng cách phát triển cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu vùng xa. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Điều này được minh chứng rõ rệt khi tại một số địa phương tuy thuộc vùng sâu, xa nhưng có lợi thế về điều kiện nắng, gió, khí hậu tự nhiên bắt đầu nhận được sự tham gia của nhiều chủ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đơn cử tại Ninh Thuận, nơi có đặc điểm khí hậu vô cùng khắc nghiệt, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng gần đây đã “lọt vào ống kính” của nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Mới đây nhất, nhà máy Điện gió Trung Nam do Tập đoàn Trungnam Group đầu tư đã được khánh thành tại địa phương này. Đây được xem là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Tiềm năng mạnh là vậy, song, những thách thức đặt ra đối với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là không hề nhỏ. Theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong chuyển dịch năng lượng bền vững như: Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Đặc biệt khó tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dài hạn do chính sách chưa đồng bộ, ổn định và dài hạn...
Nêu lên lời giải cho bài toán về nguồn vốn đầu tư cho DN năng lượng tái tạo, TS Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh để có thể tăng cường năng lực huy động vốn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, cần tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: Vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài… Ngoài ra, định hướng chính sách năng lượng tái tạo đúng đắn cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững.
Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời. Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông của Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn.