Thăng trầm nghề bán vé số dạo
Văn hóa “mua vé số”
Có dịp tận mắt chứng kiến một ngày lao động của một người bán vé số dạo, chúng tôi không khỏi xúc động về những khó nhọc “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” của họ. Đối với nghề bán vé số dạo, không rõ từ bao giờ đã trở thành một trong những “cần câu cơm” của không ít người nghèo, hơn nữa còn là một phần của văn hóa thành thị tới nông thôn.
Anh Mạnh Hùng (37 tuổi, ngụ TP HCM) là một người có kinh nghiệm trong giới kinh doanh xổ số kiết thiết, chia sẻ với chúng tôi: ở đô hội Sài Gòn từ lâu được ví là “thủ phú vé số”. Anh chia sẻ, một chủ đại lý vé số cấp 1 có hơn 30 năm trong nghề thậm chí tự hào nói rằng, nhờ vé số mà những người yếu thế có thêm cơ hội thứ hai để đổi đời. Nhờ đó, tờ vé số tự nhiên, bình dị đi vào mỗi nhà, mỗi người và đã trở nên rất quen thuộc với người dân Nam bộ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Minh Tú, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty XSKT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ 1/4/2021 mỗi công ty XSKT khu vực miền Nam phát hành 11 triệu tờ vé số, tương đương 110 tỷ đồng/kỳ, trước đó là 10 triệu vé, tương đương 100 tỷ đồng/kỳ/công ty XSKT. Dù vậy, ông Tú cũng cho biết, hiện nay nguồn “cung” không đủ “cầu”. Chỉ tính riêng trong quý I vừa qua, đa số công ty XSKT khu vực miền Nam có tỷ lệ tiêu thụ cao từ 97 % - 99 %, cao nhất từ trước tới nay, với tỷ lệ vé tồn được trả lại rất thấp. Có hiện tượng này là do ảnh hưởng Covid – 19 nhiều xí nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, giảm việc làm, nên khiến lực lượng bán vé số dạo có sự gia tăng.
Về vai trò của người bán vé số dạo, ông Tú nhận xét, đó là những người phát hành chủ lực cho hoạt động kinh doanh xổ số tăng đều trong những năm qua. Chính họ đã góp phần giúp cho nhiều tỉnh, thành tăng tỷ lệ phát hành so với bán ra bình quân gần 99 %, đạt 104 % kế hoạch năm.
Cho đến nay, hầu hết các đại lý đề ra quy định để tự điều chỉnh lượng vé giữa những người bán dạo cho phù hợp thực tế, lấy số lượng vé trong khả năng tiêu thụ của mình, tránh tình trạng người ôm nhiều không bán hết đem trả, còn người cần vé bán lại không có.
1001…chuyện bán vé số dạo
Chia sẻ về công việc trong một ngày của mình, chị Thạch Thị Cúc 48 tuổi, quê huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) cho biết, nghề bán vé số đối với nhiều người nghèo là một lựa phù hợp nhất, bởi không cần nhiều vốn, không đòi hỏi nhiều điều kiện, chỉ cần có giấy CMND và từ 1 triệu – 2 triệu đồng là đủ lãnh từ 100 – 200 tờ vé số đi bán mỗi ngày, nếu không có vốn thì lấy thiếu đại lý rồi thanh toán sau.
“Qua 10 năm gắn bó với nghề, tôi thấy bán vé số khỏe hơn việc đi kiếm việc làm thuê, làm mướn vừa cực, vừa bấp bênh. Với người bán vé số nếu chào mời khôn khéo tạo được nhiều mối quen thì coi như ấm. Thông thường, một tờ vé số bán ra, người bán dạo sẽ được từ 1.100 đồng – 1.200 đồng/tờ, cũng có đại lý cấp 2, hoặc cấp 3 chi hoa hồng thấp hơn một chút”.
Cũng theo chị Cúc, việc bán được một “cây” vé số ở các tỉnh Tây Nam bộ, nhất là TP HCM không phải khó. Đó là vì, nếu là mối quen là đại gia, hoặc những người mê “chơi vé số” thì lượng khách hàng này luôn có sẵn. Dường như cái máu “công tử Bạc Liêu” từ thuở nào còn chảy trong tính cách người miền Tây, nên việc bỏ ra vài triệu đồng mua vài “cây” vé số rồi chia đều cho anh em bạn bè trong bàn nhậu, bàn cà phê là chuyện quá quen thuộc.
Một số người bán vé số dạo chia sẻ với chúng tôi những lần phải vất vả đạp xe lòng vòng, nhiều khi len lỏi khắp các ngả đường, nhưng sắp tới giờ xổ trên tay vẫn còn hàng chục, có khi cả trăm tờ vé số phải trả lại cho đại lý. Dù có những khó nhọc và bươn chải với nghề, thế nhưng nhờ sự chung tay của các đại lý, công việc bán vé số dạo ngày càng thuận lợi hơn trước. Cô Nông Thị Mai Huyên, một người bán vé số nhiều năm ở TP Thủ Đức kể, có trường hợp khi trả vài trăm tờ vé số lĩnh từ đại lý vào chiều hôm trước, bán thêm buổi tối tới sáng hôm sau đã “sạch trơn”. Cũng như cô Mai Huyên, có người bán vé số dạo còn tâm tình, khi bán hết vé số, họ còn nửa ngày để làm thêm nhiều công việc khác nhau, như bán trái cây, nhận vệ sinh nhà cửa theo giờ, phụ việc ở các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu…để tăng thêm thu nhập.
Có thể nói, nghề bán vé số dạo tuy có lúc thăng, lúc trầm, có vui, có buồn nhưng vẫn là nghề đem đến cơ hội cho những người nghèo “cần câu cơm” ổn định suốt nhiều năm qua…