Xử trí nhanh dị ứng hải sản khi đi du lịch biển
Dị ứng hải sản thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm và có các bệnh lý do cơ địa như viêm da cơ địa, thường xuyên nổi mề đay, hen suyễn, viêm xoang dị ứng…
Theo thông tin từ Sức khỏe đời sống, mùa hè mọi người thường có xu hướng du lịch biển và món ăn luôn được ưu tiên hàng đầu là các loại hải sản. Tuy nhiên có một số người có thể gặp các triệu chứng dị ứng hải sản, do vậy cần lưu ý khi sử dụng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến chuyến đi.
Dị ứng hải sản là gì?
Hải sản là món ăn quý, rất giàu chất dinh dưỡng do vậy nó là món ăn ưa thích trong bữa ăn hàng ngày của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên đây cũng là loại thức ăn gây dị ứng hàng đầu, nhưng không phải ai cũng bị.
Với những người lần đầu sử dụng, nhất là trẻ em hoặc người có cơ địa dị ứng khi sử dụng cần dùng từng ít một để theo dõi các phản ứng của cơ thể với từng loại hải sản, nếu không có vấn đề gì thì mới sử dụng tăng lượng. Theo các chuyên gia thì các loại nhuyễn thể như ngao, sò, ốc, cua ghẹ có nguy cơ gây dị ứng cao hơn các loại tôm cá.
Dị ứng hải sản là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với protein có trong một số loại hải sản, đặc biệt là các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, nghêu, sò…
Mức độ dị ứng hải sản ở mỗi người là khác nhau, một số người bị dị ứng hải sản sẽ có phản ứng với tất cả hải sản, nhưng có những người chỉ phản ứng với một số loại nhất định. Các phản ứng có thể xảy ra từ nhẹ như mẩn ngứa, phát ban… đến nặng suy hô hấp, ngừng tuần hoàn đe dọa tính mạng.
Dị ứng hải sản thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm và có các bệnh lý do cơ địa như viêm da cơ địa, thường xuyên nổi mề đay, hen suyễn, viêm xoang dị ứng…
Trẻ nhỏ thường có nguy cơ dị ứng hải sản cao hơn người lớn do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh và dễ gặp vấn đề khi tiêu hóa protein có trong hải sản. Người có tiền sử gia đình bị dị ứng hải sản cũng có nguy cơ dị ứng cao hơn so với bình thường.
Các triệu chứng thường gặp
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Vân Hồng (Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai): Dị ứng hải sản có thể gây ra các các triệu chứng đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, mẩn đỏ ngứa toàn thân. Người dị ứng ứng lần thứ 2 trở đi phản ứng quá mẫn trở nên rất nặng, có thể gây tình trạng sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt, ban đỏ tím, ngừng tuần hoàn.
Người nhẹ có các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, bụng trướng căng, mẩn đỏ trên da lâu mất hơn so với lần 1.
Thường lần thứ 2 trở đi triệu chứng rất dồn dập, thậm chí phản ứng quá mẫn có thể ngoài ngừng tuần hoàn còn gây những cơn co thắt phế quản gây triệu chứng giống hen, khó thở nhiều gây tím tái. Khi xuất hiện các triệu chứng quá mẫn nặng như thế thì phải vào viện nhanh nhất có thể.
Cần làm gì khi bị dị ứng hải sản?
Cũng theo PGS. Hồng, người bị dị ứng hải sản nếu có các triệu chứng nhẹ như nổi mề đay, ban đỏ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể chữa tại nhà, thường chỉ ngừng loại thức ăn gây dị ứng vài ba ngày là hết. Có thể kích thích gây nôn để loại bỏ phần thức ăn còn sót lại trong dạ dày.
Nếu tiêu chảy với nôn nhiều có thể dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chữa nôn. Nếu nôn và tiêu chảy quá nhiều gây mất nước buộc phải vào viện. Những ban đỏ trên da hay các dị ứng nhẹ có thể hết sau vài ngày. Tuy nhiên những mẩn ngứa ban đỏ để lại những nốt phỏng nước cần phải vào viện để chữa.
Còn những phản ứng quá mẫn của lần thứ 2 như những cơn khó thở co rút cơ liên sườn, co rút hõm ức, khó thở kiểu hen tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì phải nhập viện ngay lập tức.
Đôi khi tình trạng sốc quá mẫn quá nặng có thể không vào viện kịp, do đó những ai có dị ứng rồi phải luôn ghi nhớ để tránh xa các loại thực phẩm đó hoặc luôn chuẩn bị sẵn một ít thuốc chữa phản ứng quá mẫn (phải dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ) đề phòng nếu chẳng may ăn phải đồ ăn dị ứng.
Phòng dị ứng hải sản
Để có những phút giây thư giãn bên gia đình khi đi du lịch biển, phải luôn đề phòng dị ứng, ngộ độc hải sản có thể xảy ra. Những người khi đã từng bị dị ứng hải sản phải ghi nhớ mình bị dị ứng với loại nào để tránh ăn. Không sử dụng các loại hải sản lạ, không nên ăn hải sản ở vùng nước biển bị nhiễm độc do ô nhiễm môi trường hay ở vùng biển có thủy triều đỏ, bởi hải sản nơi này dễ nhiễm phải tảo độc và gây ngộ độc, nhất là nghêu, sò, ngao... bởi những loại này rất khó để phân biệt.
Khi có dự định du lịch tại một vùng biển nào đó nên tham khảo trước đồng nghiệp, bạn bè người thân đã từng đến vùng biển đó để chọn được những quán ăn, nhà hàng chế biến ngon, sạch sẽ, có nguồn gốc rõ ràng hoặc có thể nhờ người dân địa phương tư vấn.
Khi mua các loại hải sản mang về cần lựa chọn kỹ những con còn tươi sống và có nguồn gốc uy tín để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Khi ăn hải sản, nên chế biến chín hoàn toàn để giảm nguy cơ dị ứng và đau bụng, không nên ăn quá nhiều bởi hải sản rất giàu đạm, việc ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Không ăn hải sản cùng với thực phẩm giàu vitamin C vì hải sản chứa hàm lượng lớn asen pentavenlent. Bình thường những chất này không gây hại cho cơ thể, nhưng nếu ăn kèm với lượng lớn thực phẩm giàu vitamin C thì asen pentavenlent sẽ chuyển hóa thành asen trioxide gây ngộ độc thạch tín cấp tính, nếu nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Với trẻ nhỏ, khi bắt đầu cho trẻ ăn hải sản, cha mẹ nên sử dụng trước rồi cho trẻ ăn với lượng rất ít để theo dõi phản ứng, sau khi thấy an toàn mới tăng lên. Với những người có cơ địa dị ứng có thể mang theo một số thuốc chữa dị ứng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi ăn hải sản nếu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu lạ phải dừng ngay, với trường hợp nặng đặc biệt kèm sốc phản vệ phải đưa đến cơ sở y tế hoặc thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc về nhà chữa sẽ gây biến chứng nguy hiểm.