Tại sao lịch sử hội họa hiếm thấy những... nụ cười?

02/05/2021 11:19

Chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa nổi tiếng thế giới, bạn sẽ nhận thấy có rất ít nụ cười hiện diện trên gương mặt của các nhân vật, có chăng chỉ là một thoáng mỉm cười rất nhẹ như nàng Mona Lisa.

Vì răng xấu, hay vì cười lâu sẽ... mỏi miệng?

Ngày nay, chúng ta nhìn nhận nụ cười là một biểu hiện của sự thân thiện, niềm vui và tình cảm yêu mến, nhưng trong suốt một thời kỳ dài của lịch sử hội họa, nụ cười bị xem là "không đẳng cấp, không thời thượng".

Ngày nay, mỗi khi chụp ảnh, người ta luôn cố gắng cười tươi, nhiều người tin rằng thời xưa, người xưa tránh cười khi xuất hiện trong các bức tranh chân dung là bởi ngại ngùng vì... răng xấu.

Thực tế, thời bấy giờ hiện tượng răng xấu quá thường thấy trong đời sống xã hội, đến mức người ta chẳng quan trọng việc đó nữa, họ không coi việc để lộ hàm răng xấu là một điều gì quá nghiêm trọng.

Câu trả lời cho việc thiếu vắng những nụ cười trong lịch sử hội họa kỳ thực rất đơn giản: Ngày nay, để có một nụ cười xuất hiện trong ảnh, người ta chỉ mất có vài giây, nhưng để ngồi làm người mẫu cho một bức tranh chân dung, người ta cần bỏ ra rất nhiều thời gian.

Việc ngồi làm mẫu thực sự là một công việc không đơn giản. Chúng ta đều biết việc phải giữ nụ cười một lúc lâu khiến ta "mỏi miệng" như thế nào. Những bức ảnh cười "kém tươi", gượng gạo hầu hết đều bắt nguồn từ đó.

Nụ cười vốn chỉ để xuất hiện trong một thoáng, đó là một phản ứng rất nhanh, vốn không phải một biểu cảm kéo dài, nên rất khó để giữ nụ cười được lâu, hoặc để có thể nắm bắt, ghi lại kịp thời.

Sự hiếm hoi của những nụ cười trong tranh cổ

Bức
Bức "Chân dung một chàng trai" được họa sĩ người Ý Antonello da Messina thực hiện hồi năm 1470.

Nếu một họa sĩ thuyết phục được nhân vật của mình có một nụ cười mỉm, kết quả là bức chân dung ngay lập tức sẽ chứa đựng nhiều xúc cảm, nụ cười sẽ ngay lập tức trở thành tâm điểm của bức tranh chân dung.

Trong khi đó, đây lại không phải là điều mà các nhà quý tộc đặt hàng tranh chân dung mong muốn. Các nhân vật thượng lưu khi đặt hàng thực hiện tranh chân dung, họ không có nhu cầu được người đời sau nhìn nhận là người... thân thiện, dễ mến, họ chỉ muốn lưu lại hình ảnh chân dung của mình cùng với sự uy quyền, quý phái.

Họa sĩ người Ý Antonello da Messina (1430 - 1479) là một trong số rất ít họa sĩ thời Phục hưng hay đưa nụ cười vào trong tác phẩm của mình. Họa sĩ Messina sử dụng nụ cười như một cách để biểu đạt nội tâm nhân vật.

Bức "Chân dung một chàng trai" được họa sĩ Messina thực hiện hồi năm 1470 ra đời từ khá lâu trước khi danh họa người Ý Leonardo da Vinci thực hiện bức "Mona Lisa" (vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1503 - 1519). Trong giới am hiểu hội họa, bức "Chân dung một chàng trai" từ lâu đã được xem là tác phẩm khắc họa nụ cười bí ẩn hàng đầu trong hội họa.

Một phần vì sự hiếm hoi của những nụ cười trong lịch sử hội họa, nên bức "Mona Lisa" mới mê hoặc công chúng với nụ cười bí ẩn đến vậy. Không ai biết bằng cách nào danh họa Leonardo da Vinci có thể thuyết phục nàng Mona Lisa mỉm cười như vậy, đôi môi nàng mím lại nhưng vẫn như hé một nụ cười, biểu cảm ấy thực ra cũng rất khó duy trì trong quá trình ngồi làm mẫu.

Bức
Bức "Mona Lisa" của danh họa Leonardo da Vinci.
Bức
Bức "St. John the Baptist" của danh họa Leonardo da Vinci.

Nghệ thuật vẽ mờ nhòa đường nét của Da Vinci đã đưa lại những vẻ đẹp bí ẩn khó giải nghĩa cho nhân vật, nụ cười của nàng Mona Lisa vẫn là đề tài của những cuộc bàn luận không hồi kết cho tới mãi sau này.

Người ta vẫn cứ mãi bàn cãi về việc nàng đang nghiêm nghị hay đang hé một nụ cười. Người ta cũng mãi bàn cãi về ý nghĩa của nụ cười (nếu có) ở Mona Lisa, rằng nàng đang mỉm cười huyền hoặc mê đắm hay đang hé một nụ cười "bề trên" như thể thấu suốt mọi điều?

Thực tế, "Mona Lisa" không phải bức tranh duy nhất mà Da Vinci đưa vào một nụ cười khó nắm bắt. Ông từng khắc họa một nụ cười bí ẩn trong bức "St. John the Baptist" (thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1513 tới 1516), trong tranh, nụ cười mỉm của thánh John cũng khiến giới phê bình hội họa quan tâm bình luận từ lâu.

"Phong cách Hà Lan": Khi nụ cười đồng nghĩa với sự phóng túng

Bức
Bức "The Merry Fiddler" ("Nhạc công vui vẻ" - vẽ năm 1623) của họa sĩ người Hà Lan Gerard van Honthorst.

Trước thế kỷ 17 tại Châu Âu, giới quý tộc có một quan niệm chung rằng cười phấn khích tới mức để lộ răng ở nơi công cộng hay trong các bức tranh chân dung là một cách biểu cảm suồng sã, không dành cho những quý tộc có sự hiểu biết, sự kiềm chế và cách ứng xử chừng mực.

Người ta cho rằng cười vô tư như vậy chỉ có là đang say, hoặc là cách biểu cảm của những nghệ sĩ hay người lao động bình dân. Thuở ấy ở Châu Âu, chỉ có các họa sĩ Hà Lan là hay khắc họa nụ cười.

Vì họa sĩ Hà Lan hay khắc họa nụ cười và những cuộc vui vô tư của tầng lớp bình dân, nên "phong cách Hà Lan" trong hội họa thời bấy giờ thường là cách nói ngắn gọn của các cảnh vui chơi phóng túng được khắc họa trong tranh.

Bức "The Merry Fiddler" ("Nhạc công vui vẻ" - vẽ năm 1623) của họa sĩ người Hà Lan Gerard van Honthorst hay bức "The Concert" ("Đàn hát" - vẽ năm 1623) của họa sĩ Judith Leyster đều khắc họa những nụ cười lộ răng. Trong tranh, họa sĩ thể hiện một ý niệm của hội họa Phục hưng, rằng âm nhạc chính là một biểu hiện của tình yêu.

Bức
Bức "The Concert" ("Đàn hát" - vẽ năm 1623) của họa sĩ Judith Leyster.

Khi có nhạc cụ xuất hiện trong tranh nghĩa là có những xúc cảm lãng mạn, yêu đương trong các nhân vật được khắc họa. Trong các bức tranh này, vẻ ngà ngà say và những hàm ý về tình yêu, dục vọng được họa sĩ đặc tả khá rõ.

Nhân vật nhạc công trong "The Merry Fiddler" của Van Honthorst đang nâng ly, đôi gò má ửng hồng cho thấy anh ta đã say rồi. Ba nhân vật vui tươi đàn hát xuất hiện trong bức "The Concert" của Leyster dường như sắp không làm chủ mình được nữa.

Bức
Bức "Cupid as Victor" (vẽ năm 1602) của Caravaggio.

Những họa sĩ này cơ bản đều chịu ảnh hưởng bởi một họa sĩ tiên phong người Ý - Caravaggio. Bức "Cupid as Victor" (vẽ năm 1602) của Caravaggio khắc họa thần tình yêu Eros, với những nhạc cụ nằm trên sàn, thần Eros nở nụ cười rõ rệt, là một bức họa ẩn dụ về tình yêu và vẻ đẹp tuổi mới lớn.

Trong tranh, thần tình yêu Eros khỏa thân với những mũi tên nắm trong tay, miệng cười rõ nét. Nụ cười ấy hiếm thấy trong hội họa đến mức khi tác phẩm mới ra mắt, người đương thời đã bình luận và suy đoán rất nhiều.

Sức hấp dẫn của những nụ cười mỉm "giữ kẽ"

Bức tranh chân dung Peter Paul Rubens khắc họa vợ của ông -
Bức tranh chân dung Peter Paul Rubens khắc họa vợ của ông - "Chân dung nàng Isabella Brant" (vẽ năm 1620 - 1625).

Sức hấp dẫn của những nụ cười mỉm "giữ kẽ", giống như nụ cười ở nàng Mona Lisa, rất hấp dẫn các họa sĩ Châu Âu, họ thường đưa nụ cười kiểu này vào trong những bức tranh chân dung khắc họa phụ nữ quý tộc, xem đó như một tia gợi cảm nhẹ nhàng, giữ ý.

Những nụ cười này có thể bắt gặp trong bức tranh chân dung Peter Paul Rubens khắc họa vợ của ông - "Chân dung nàng Isabella Brant" (vẽ năm 1620 - 1625), bức "Doña Isabel de Porcel" do Francisco de Goya thực hiện năm 1805, hay bức "Madame Jacques-Louis Leblanc" do Jean-Auguste-Dominique Ingres thực hiện năm 1823.

Bức
Bức "Doña Isabel de Porcel" do Francisco de Goya thực hiện năm 1805.
Bức
Bức "Madame Jacques-Louis Leblanc" do Jean-Auguste-Dominique Ingres thực hiện năm 1823.

Kể từ khi nhiếp ảnh ra đời hồi giữa thế kỷ 19, nụ cười đã trở nên quen thuộc hơn. Các họa sĩ hiện đại cũng thường đưa nụ cười vào trong các tác phẩm khắc họa chân dung của mình để biểu đạt những ý niệm của họ.

Nhìn chung, nụ cười trong lịch sử hội họa từng mang rất nhiều ý nghĩa, trong đó, nụ cười và cách khắc họa nụ cười từng cho thấy cách người ta nhìn nhận về con người và đẳng cấp.