Đặt hàng đào tạo giáo viên: Chất lượng làm đầu
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn trong việc thực hiện Nghị định 116 về việc đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội. Bởi mục tiêu chính là tuyển sinh và chất lượng đào tạo tốt hơn, đáp ứng yêu cầu giáo viên của các địa phương.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo hoặc đặt hàng
Hiện Bộ GDĐT đang có dự thảo công văn hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội được quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND tỉnh/thành là cơ quan có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương.
Địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Các bộ/ngành có cơ sở đào tạo giáo viên chủ trì và phối hợp với Bộ GDĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo trực thuộc và thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Nghị định số 116.
Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở được giao nhiệm vụ, hoặc được đặt hàng (có thể thông qua hình thức đấu thầu), theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ GDĐT thông báo.
Trước đó, để xác định nhu cầu sử dụng và chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê, nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, từ đó xác định số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên cho năm tuyển sinh (bao gồm cả nhu cầu đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên trình độ đại học (ĐH) và đào tạo ĐH cho người học đã có bằng tốt nghiệp ĐH, đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ) cho người học đã có bằng tốt nghiệp CĐ theo hình thức chính quy) và gửi Bộ GDĐT để tổng hợp theo mẫu.
Tháo gỡ khó khăn từng bước
Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương nhu cầu sử dụng giáo viên nhất là giáo viên mầm non lớn, thiếu cả chục nghìn người nhưng lại không có chỉ tiêu cho tuyển dụng thành ra năm nào cũng thiếu trong khi lượng giáo viên bên ngoài thì còn rất nhiều...
Tương tự, đối với giáo viên bậc THCS hay THPT nhiều nơi còn dôi dư khá nhiều, thừa thiếu cục bộ song vẫn chưa giải quyết triệt để. Nay để tỉnh đặt hàng đào tạo, ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu xảy ra dư thừa? Bởi một khóa học kéo dài khoảng 4 năm, lúc đó có thể thay đổi lãnh đạo thì liệu tỉnh có tiếp nhận khóa cử nhân mới về hay không? Nếu cử nhân không tham gia công tác trong ngành giáo dục thì ai sẽ phạt, phạt như thế nào là câu chuyện không dễ? Đó là chưa kể, số sinh viên này có tham gia ứng tuyển nhưng không đỗ vào biên chế thì liệu có phải chịu phạt hay không?
Nhiều vấn đề được đặt ra với chính sách mới này trước khi đi vào triển khai, áp dụng đại trà tại tất cả các tỉnh thành. Đa số các chuyên gia đều cho rằng, về việc tổ chức đấu thầu cũng như đặt hàng đào tạo giáo viên còn phải tính toán và bàn bạc kỹ lưỡng vì nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả không lường. Bởi lẽ, đào tạo giáo viên là ngành rất đặc thù. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết xem triển khai thế nào.
Nhìn nhận cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu giáo viên theo Nghị định 116 khá mới mẻ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Nghị định đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, qua thời gian rất dài với góc nhìn và sự đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan.
Tuy nhiên đây là vấn đề lớn với cả địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên, người học và chắc chắn trong quá trình triển khai nghị định sẽ đặt ra nhiều vấn đề. “Chúng ta cần nhìn vào tổng thể, cân đối theo cái chung nhất để triển khai; cố gắng khắc phục tồn tại, giải quyết từng bài toán, từng quy trình để sau một thời gian, việc thực hiện nghị định sẽ đi vào ổn định”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng yêu cầu những người có trách nhiệm trong triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP hiểu rõ những nội dung căn cốt, đồng thời bàn thảo những vấn đề vướng mắc, những khó khăn phát sinh trong thực tế để Bộ GDĐT tiếp tục hoàn thiện dự thảo hướng dẫn. Từ đó, thống nhất phương thức triển khai, đi đến phối hợp đồng bộ trong toàn hệ thống, triển khai thành công Nghị định, mang lại lợi ích tốt nhất cho người học, thu hút sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm.
Thứ trưởng Sơn cũng nhấn mạnh ba nguyên tắc. Thứ nhất, lấy chất lượng làm hàng đầu trong mọi hoạt động thực hiện Nghị định, bởi mục tiêu chính là tuyển sinh và chất lượng đào tạo tốt hơn, đáp ứng yêu cầu giáo viên của các địa phương.
Thứ hai, đảm bảo cân đối cung và cầu. Các giải pháp, đề xuất được đưa ra chính là nhằm tối ưu hóa, cân đối tốt nhất giữa nhu cầu tuyển dụng, sử dụng với năng lực, chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên.
Thứ ba là công khai minh bạch. Muốn đảm bảo chất lượng, các địa phương cần công khai rõ tiêu chí, nhu cầu, các trường công khai rõ tình hình tuyển sinh năm trước, năng lực, chất lượng đào tạo để địa phương và người học cùng đánh giá, lựa chọn.