Đau đáu một tòa tháp biểu tượng đoàn kết dân tộc
Tháng Ba. Dòng người hành hương nối nhau lên núi Nghĩa Lĩnh ngày Giỗ Tổ. Xưa nay vẫn vậy, Đền Hùng trong tâm khảm con Lạc cháu Hồng là đất phát tích cội nguồn, và ai đó mùa trẩy hội có nén tâm nhang tri ân Tiên Tổ đau đáu nghĩ về một tòa tháp biểu tượng đoàn kết dân tộc Việt...
Đoàn kết - viên ngọc quý nhất của người Việt để Tổ quốc dải đất hình chữ S sinh tồn, chiến thắng tất cả ngoại xâm, và vươn tầm phát triển. Hồ Chủ tịch từng nói về tình đoàn kết của dân tộc ta là truyền thống quý báu được hun đúc trên nền tảng lòng yêu nước.
Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì lòng yêu nước và khối đoàn kết Việt lại kết sóng mạnh mẽ nhấn chìm tất cả lũ xâm lăng. Ngày hội tụ những người lính của Đại đoàn quân Tiên phong về tiếp quản thủ đô năm xưa, hẳn là Bác đã có hàm ý sâu sắc khi chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, căn dặn chi tiết những việc cần làm đối với từng chiến sỹ.
Hơn 40 năm trước, khi về thăm Đền Hùng, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng gợi ý xây dựng một tòa tháp ở đất cội nguồn. “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng” - và một tòa đại tháp đã hình thành trong ý tưởng và sự quan tâm của rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và du khách hành hương về Đất Tổ.
Tháp Hùng Vương không chỉ nằm trong ý tưởng, hơn 10 năm trước tòa tháp này đã được hiện diện trong bản quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Vị trí đặt tháp tại khu đồi Mom Gà thuộc phường Vân Phú, TP Việt Trì, phía Nam của Đền Hùng, cách chân núi Nghĩa Lĩnh gần 3km với diện tích quần thể chân tháp khoảng 20ha.
Tòa tháp cao 112 m, theo thiết kế có 18 tầng hàm như biểu tượng18 đời Hùng Vương, chân tháp dáng tròn có kiến trúc đặc biệt nhiều ngăn ô như cách điệu về bọc trăm trứng sinh 100 con, các tầng dưới là mô hình trống đồng Đông Sơn, bên trên chồng lên có 8 trụ cột điển hình cho 8 vùng Tổ quốc (Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng Cửu Long).
Những trụ cột này cũng giống như bó đũa thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lòng tháp có 2 thang máy để đưa du khách lên tầng thứ 17 dừng chân chiêm ngưỡng phong cảnh toàn vùng khi hành hương về Đất Tổ, cũng từ đây có thể suy ngẫm, tự hào nhìn từ Đền Hùng về khắp mọi miền cả nước. Còn tầng trên nhất sẽ đặt 18 bài vị của các Vua Hùng.
Vừa phải hiện đại, lại giàu chất truyền thống, phác nên thần thái của thiên sử Hùng Vương, ấn tượng với du khách, chỉ khâu thiết kế đã ngốn sức nhiều cuộc thi chọn và thẩm định phản biện, còn nguồn lực thì quả là bài toán khó giải.
Nhưng dẫu nay đại tháp còn nằm trên giấy, Bộ VHTTDL và tỉnh Phú Thọ dường như đã có những tính toán mang tầm nhìn xa. Và đây là dự án tầm quốc gia, đã đi qua những thẩm định kỹ lưỡng lựa chọn mẫu kiến trúc, đánh giá lợi ích, thậm chi chịu đựng cả lời thị phi về sự lãng phí... Một tòa tháp từ ý tưởng và giải pháp hiện thực hóa chưa bao giờ nguôi tắt trong tâm huyết của nhiều người.
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết những tâm tư, ý tưởng, suy ngẫm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ qua nhiều thời kỳ về tòa tháp, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VTTTDL Phú Thọ dường như còn muốn thay lời khát vọng của nhiều người tâm huyết với đại dự án ở đất thiêng.
Việt Trì đang hướng đến một thành phố du lịch văn hóa tâm linh cội nguồn như đã được Thủ tướng phê duyệt, hiển nhiên Đền Hùng là điểm nhấn của thành phố, mỗi dịp Giỗ Tổ cả biển người tới gần 8 triệu lượt du khách, cơ hội biến ý tưởng tòa đại tháp đã đến rồi.
Thuở xưa Tháp Báo Thiên đi vào thơ của Phạm Sư Mạnh: “Trấn áp đông tây giữ đế kỳ/ Một mình cao ngất tháp uy nghi/ Chống trời cột trụ non sông vững/ Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy”. Nay cổng Đền Hùng còn đó “Cao sơn cảnh hành”, trên điện Kính Thiên còn ghi rõ “Nam Việt triệu tổ”, con cháu Lạc Hồng mãi ghi nhớ “Mộc bản thủy nguyên”, và lời Bác Hồ đã tạc sâu vào tấm lòng, trách nhiệm cho muôn thế hệ mai sau “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, thì cái lẽ hợp muôn lòng người để xây một tòa đại Tháp Hùng Vương sao còn nấn ná?
Đã có ý kiến rất mạnh dạn, rằng Tháp Hùng Vương có thể xây cao đến 180m, thậm chí cao hơn nữa, và không nhất thiết chỉ có 18 tầng mà phải lên đến 180 tầng. Dáng vẻ tháp cũng nên tựa vào hình dạng trống đồng - một biểu tượng rõ nét về nền văn minh Sông Hồng và văn hóa Đông Sơn của Nhà nước Văn Lang. Tháp này thiết kế hoành tráng với chất liệu bền vững, đa công năng, có các hạng mục bảo tàng, phòng chiếu phim, điều hành, dừng nghỉ, hội thảo, phòng họp hiện đại tầm cỡ quốc tế, và đặc biệt khéo léo dẫn dắt du khách tìm hiểu các giá trị đặc sắc của thời kỳ Hùng Vương và văn hóa dân tộc.
Vùng đất có hai di sản của nhân loại (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan), Phú Thọ cũng đau đáu lắm về cơ hội quảng bá di sản và thúc đẩy kinh tế Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, đang sẵn sàng dang tay đón nhận hùn sức chung lòng của cả nước để biến ý tưởng Tháp Hùng Vương thành hiện thực. Tôn tạo bởi nhiều dự án xây dựng cho Đền Hùng từ nguồn lực quốc gia những năm qua, Đền Hùng có đóng góp công sức, công đức của nhiều tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm để từng ngày khang trang đổi khác diện mạo như ngày nay ở nơi sơn cảnh hữu tình, giờ xây nên một tòa đại tháp biểu tượng cho lòng yêu nước và tình đoàn kết dân tộc đứng chân ở đất thiêng, tôn vinh hơn nữa giá trị lịch sử cội nguồn, cũng xứng lắm thay.