Không tùy tiện dùng thuốc long đờm cho trẻ
Ho có đờm là dạng bệnh thường gặp ở đường hô hấp của trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ho và điều quan trọng là tìm nguyên nhân ho và điều trị trúng đích. Theo các chuyên gia y tế, ho chỉ là triệu chứng, không phải là bệnh lý. Khi trẻ ho, cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Theo chuyên gia y tế, BS Hoàng Quốc Tưởng: Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, giúp bảo vệ đường thở khỏi sự xâm nhập của dị vật. Quan trọng hơn đây là một phản xạ tham gia việc di chuyển và tống xuất các dịch tiết bất thường bên trong đường thở. Các thụ thể ho hiện diện tại đường hô hấp như họng, đáy lưỡi, khí phế quản... khi nhận ra được sự xâm nhập hay tồn tại của các chất lạ đều kích thích tạo phản xạ ho để bảo vệ và giữ cho đường thở luôn thông thoáng. Do đó ho là có lợi.
Khi viêm nhiễm, đường hô hấp sẽ sản xuất nhiều đờm nhớt, dịch tiết. Sự tồn tại của những loại dịch này được hiểu như là những dị vật, vô tình kích thích vào thụ thể ho luôn tồn tại ở nhiều nơi trên đường hô hấp. Từ đó, chúng kích thích cơ thể tạo ra phản xạ ho để tống xuất các dị vật này ra ngoài, bảo vệ đường thở luôn ở trạng thái thông thoáng nhất, giúp trẻ dễ thở hơn cũng như loại bỏ được virus, vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
Thông thường ở trẻ em, nguyên nhân gây ho là do viêm đường hô hấp trên, đa phần là do virus. Vì thế, trong phần lớn các trường hợp trẻ bị ho sẽ cải thiện theo thời gian.
Cũng theo BS Tưởng: Thuốc long đờm còn được gọi là thuốc loãng đờm, thuốc làm tiêu chất nhầy. Các thuốc này có tác dụng làm lỏng các dịch tiết từ niêm mạc khí quản - phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đờm nhầy trong phế quản. Vì vậy, các chất nhầy đờm có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển thông qua phản xạ ho.
Tuy nhiên, thuốc long đờm không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi bởi khả năng ho và tự kiểm soát việc tống xuất đờm nhớt của trẻ ở độ tuổi này là chưa tốt. Việc làm tiêu nhầy, long đờm, nhưng phản xạ ho khạc không tốt vô tình làm nặng thêm tình trạng của trẻ. Trên 2 tuổi, trẻ có thể kiểm soát vấn đề ho khạc đờm tốt hơn, chúng ta có thể ưu tiên sử dụng các thuốc long đờm dạng gói, hàm lượng được định sẵn trong từng loại gói nên chắc chắn sẽ không có sự sai lệch về việc cân đong thuốc.
Thuốc long đờm tránh sử dụng ở trẻ có tiền sử hen suyễn, khò khè tái phát vì thuốc long đờm có thể khởi phát cơn co thắt phế quản ở trẻ.
“Mặc dù thuốc long đờm khá an toàn khi sử dụng nhưng vẫn có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc, do đó không nên dùng kéo dài và phải theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng tại nhà. Nên nhớ ho chỉ là triệu chứng, không phải là bệnh lý. Khi trẻ ho, cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp”, BS Tưởng khuyên.
Đây cũng là những lời khuyên được các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec khuyên. Theo các bác sĩ, nếu dùng thuốc long đờm không đúng cách có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày nên dễ làm loét dạ dày; có thể khởi phát cơn co thắt phế quản; gây nên một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu, tăng men gan nhẹ, phát ban ở da, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, ù tai, viêm miệng, chảy nước mũi nhiều...
Để tránh các tác dụng phụ bất lợi, khi sử dụng thuốc cho trẻ, phụ huynh cần chú ý tới những vấn đề sau: Không dùng cho bệnh nhi bị viêm loét dạ dày vì tác dụng phụ của thuốc là gây hủy hoại hàng rào niêm mạc dạ dày. Không dùng hoặc thận trọng khi dùng cho người bệnh hen vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở những người có cơ địa mẫn cảm. Không dùng thuốc cho trẻ bị suy nhược, quá yếu hoặc không biết khạc đờm vì sẽ càng tăng ứ đờm trong đường hô hấp khiến bệnh nặng thêm…
Ngoài ra, tình trạng cảm lạnh vào mùa mưa dễ khiến trẻ bị ho, đặc biệt là ho có đờm. Các chuyên gia khuyên phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam và nước chanh để tăng sức đề kháng, giúp bé có thể tự khỏi bệnh sau 1 - 2 tuần mà không cần dùng thuốc.
Đồng thời, cha mẹ cần giữ cho bé tránh xa khói thuốc để tránh nguy cơ ho đờm do hút thuốc lá thụ động. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dẫn đến ho có đờm, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chỉ định sử dụng loại thuốc điều trị phù hợp. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về cho trẻ dùng vì sử dụng sai loại thuốc hoặc sai liều lượng sẽ rất nguy hiểm.