Hạ tầng đô thị vùng Nam Bộ: Gỡ điểm nghẽn để phát triển
Việc phát triển dài hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được Trung ương đặc biệt quan tâm, trong đó có việc tăng tốc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Với 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12,3% diện tích cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long vừa đóng vai trò là vựa lúa đảm bảo an ninh lương thực cho toàn vùng, mà còn dự trữ nguồn tài nguyên dồi dào, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng phía Nam, định hướng đến năm 2050.
Những điểm nghẽn kéo dài
Muốn tận dụng lợi thế để cất cánh cho toàn vùng ĐBSCL, trước hết phải tháo gỡ các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu phải tăng cường các giải pháp, chính sách mới để phát triển ĐBSCL. Vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn hiện hữu 174 đô thị, trong đó mới có một đô thị loại I trực thuộc Trung ương (TP Cần Thơ) và 2 đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa của toàn vùng mới đạt khoảng trên 31%, thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước (đang là gần 40%).
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật và Môi trường thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam, điểm nghẽn khiến việc nâng cấp đô thị từ loại II, III lên đô thị loại I ở ĐBSCL hiện nay chậm hơn so với các vùng khác, chính là cơ chế chính sách cho phát triển đô thị của từng địa phương còn trì trệ và thiếu tính đột phá. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ; các chương trình nhà ở cho các đối tượng chính sách vùng ĐBSCL hầu như rất ít, nếu có cũng triển khai rất chậm so với kế hoạch đề ra.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu cũng chỉ ra rằng, dù có đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, nâng tỷ lệ dân số đô thị lên khoảng 6,5-7,5 triệu người, tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35-40%, là tỷ lệ thấp nhưng việc khả thi cũng còn tùy thuộc vào quyết tâm của mỗi địa phương. Đó là chưa kể, dù có nguồn tài nguyên phong phú, nhưng các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên khí hậu, địa chất của khu vực, cũng còn không ít những thách thức nếu muốn tăng nhanh tốc độ đô thị hóa.
Về vấn đề này, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nêu ra bất cập trong công tác nghiên cứu cơ sở, phương pháp luận về đổi mới quy hoạch và phát triển đô thị nhiều địa phương còn chưa kịp thời. Một số đô thị đang phải đối mặt với tình trạng tình trạng thiếu kết nối, ùn tắc về giao thông, hệ thống cấp nước bị nhiễm mặn, ngập úng cục bộ, hệ thống xử lý nước thải, rác thải còn yếu và thiếu,…
Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, các vấn đề do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai tại ĐBSCL diễn biến khá phức tạp. Đó là các hiện tượng nhiệt độ tăng, nước biển dâng, sụt lún nền đất, lũ lụt, hạn hán và nhiễm mặn thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây. Do đó, các điều kiện bất lợi về địa chất, địa chất thủy văn, sẽ khiến quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng tại khu vực này đứng trước nhiều thách thức rất lớn.
Nguồn phục vụ cho đầu tư phát triển của toàn vùng ĐBSCL vốn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Để có vốn đẩy nhanh tốc độ xây dựng, quy hoạch hạ tầng, đương nhiên các địa phương phải nhanh nhạy trong xã hội hóa, thu hút đầu tư thông qua các nguồn vốn linh hoạt từ xã hội, cộng đồng. Kèm theo đó, trình độ, năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng phải đáp ứng được sự phức tạp, yêu cầu ngày càng cao về tính đồng bộ, kỹ thuật trong các mục tiêu phát triển mới.
Quy hoạch phải đồng bộ
Dù còn nhiều thách thức, điểm sáng được kỳ vọng cho ĐBSCL “cất cánh” sắp tới đây là hệ thống giao thông kết nối vùng đang được Trung ương chú ý đầu tư phát triển, nhất là các đề án đường cao tốc kết nối từ TP HCM về các tỉnh sẽ được hoàn thiện tới đây. Giao thông phát triển đi trước tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa toàn vùng nhanh hơn.
Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương, công tác quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch cấp địa phương muốn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu phải tính toán cho một giai đoạn dài hạn. Trong đó, vấn đề nâng cao chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng toàn vùng và hạ tầng các đô thị ở từng địa phương.
Có ý kiến cũng đề xuất việc phát triển hạ tầng đô thị ở ĐBSCL cần thích nghi với điều kiện về tự nhiên, môi trường theo hướng “sống chung với lũ”.
Theo khuyến nghị của bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), các địa phương trong vùng cần đổi mới phương pháp tiếp cận, theo hướng quy hoạch hợp nhất đa ngành, có tính kế thừa và đặt trọng tâm quản lý và bảo vệ nguồn nước, bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa, đặc thù sông nước, đặc thù về định cư và dân cư của ĐBSCL. Trong đó, lấy phát triển đô thị và nông thôn là động lực phát triển kinh tế của toàn vùng, bên cạnh việc tăng cường phát triển du lịch, giao thông và vận tải.
Với đa phần là hệ thống giao thông thủy, các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học cũng đề nghị ĐBSCL có các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nguồn nước cho toàn vùng. Trong đó, việc nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải đô thị và nông thôn phù hợp với định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL cần được triển khai trước một bước. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, giám sát tiến độ, hiệu quả và chất lượng quy hoạch hạ tầng đô thị, kỹ thuật toàn vùng, chống thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai.