Theo sát biến chủng virus SARS-CoV-2 để ứng phó với đại dịch
Ngay sau khi xác định các chuyên gia Ấn Độ vào Việt Nam mắc Covid-19, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành ngay việc giải trình tự gene xem có biến thể của chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ không. Đây chính là căn cứ để Việt Nam tăng cường các biện pháp phòng vệ, có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế lên phương án điều trị cho bệnh nhân.
Và ngày 30/4, kết quả xét nghiệm giải trình tự gene cho thấy, tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và một nhân viên khách sạn ở Yên Bái thuộc biến thể hiện đang lưu hành và gây bệnh tại Ấn Độ - biến thể B.1.167.2.
Theo các chuyên gia dịch tễ, biến chủng virus từ Ấn Độ là biến chủng kép, mang tên B.1.617.2 do đột biến ngay trên chủng B.1.1.7 từ Anh. Đây là biến chủng có tốc độ lây nhiễm rất nhanh (đặc tính của chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine (đặc tính của chủng virus Nam Phi), nên được gọi là chủng virus biến thể kép.
Đây là những bệnh nhân nhiễm chủng biến thể Ấn Độ đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Trước đó, đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm chủng biến thể Anh, chủng biến thể Nam Phi. Kể từ khi xuất hiện, thế giới đã ghi nhận hàng ngàn biến thể của virus SARS-CoV-2, nhưng các chủng biến thể có nhiều người mắc gồm chủng Anh, chủng Nam Phi, chủng Brazil và hiện là chủng Ấn Độ. Tại Việt Nam đã ghi nhận 3/4 chủng này, trừ chủng Brazil.
Trong bối cảnh đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp thì việc nghiên cứu hệ gene (giải và phân tích trình tự hệ gen) là cơ sở khoa học để sớm phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 và những đặc tính của chúng, để có những chính sách can thiệp phù hợp.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã xây dựng kế hoạch lấy mẫu, giải trình tự gene với những ca bệnh có liên quan đến biến chủng virus SARS-CoV-2. Cụ thể, Bệnh viện đã lấy mẫu để tiến hành giải trình tự gene của ca bệnh 1.552 (nữ, 34 tuổi, công nhân Công ty TNHH Poyun) và kết quả là nhiễm chủng biến thể tại Anh, là chủng virus lây lan nhanh hơn chủng cũ tới 70%.
Khi một nam thanh niên từ Hải Dương vào TP.HCM được xác định dương tính (trở thành bệnh nhân 1660), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng ngay lập tức quyết định giải trình tự gene, làm sáng tỏ thêm nguồn gốc và đặc điểm di truyền của chủng virus. Kết quả bộ gene chủng virus thu nhận từ “bệnh nhân 1660” cho thấy mang tới 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7 (chủng biến thể tại Anh).
Các chuyên gia y tế nhận định, giải trình tự toàn bộ hệ gene của virus SARS-CoV-2 khá phức tạp, thời gian có kết quả phụ thuộc vào phương pháp thực hiện. Nếu giải trình tự gene thông qua vật liệu di truyền trực tiếp từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng của người bệnh chỉ mất khoảng 1-3 ngày. Tuy nhiên, nếu thực hiện bằng phương pháp nuôi cấy virus, từ mẫu lâm sàng lại nuôi cấy để tăng sinh virus, sau đó mới giải trình tự sẽ lâu hơn.
Mới đây, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tầm quan trọng của nghiên cứu hệ gene trong ứng phó với đại dịch Covid-19”. Mục tiêu chính của hội thảo là nhìn nhận tầm quan trọng của năng lực kỹ thuật giải trình tự và phân tích hệ gene để phục vụ việc ra chính sách ứng phó với đại dịch.
Theo chia sẻ của Đại sứ Anh tại Việt Nam- Gareth Ward: “Vaccine mới chỉ là một nửa công việc. Việc phát hiện và giám sát các biến chủng virus cũng quan trọng không kém để chúng ta có thể kịp thời ứng phó với đại dịch”.
Các loại virus tiến hóa liên tục qua thời gian và đột biến gene có thể xảy ra ngẫu nhiên ở bất kì không gian nào. Một số đột biến gene có thể khiến virus lây lan nhanh hơn /hoặc trở nên nguy hiểm hơn và gây ảnh hưởng đến hiệu quả chẩn đoán, điều trị và đáp ứng vaccine so với chủng virus đầu tiên. Chỉ sau khi có hiểu biết về trình tự gene của virus SARS-CoV-2 các nhà khoa học mới có thể phát hiện được bộ xét nghiệm và vaccine đáp ứng đặc hiệu.
“Từ bộ gene của virus, kết hợp thông tin dịch tễ, có thể giúp quy ra được nguồn lây, mối liên hệ giữa những người tiếp xúc trong một ổ dịch. Virus thay đổi rất nhanh, việc giải mã giúp cung cấp thông tin những chủng lây nhiễm nhiều như chủng bên Anh, Brazil, Nam Phi... từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp. Do đó, giải mã trình tự gene cũng là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch (theo bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn - Trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM).