‘Phân nhiệm’ dọn rác
Mới đây một Facebooker đăng status về việc sau hàng tuần diễn ra live show “Tri âm” của ca sĩ Mỹ Tâm, sân vận động Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) vẫn ngập rác. Lẽ ra nên cảm ơn vì sự nhắc nhở, xin lỗi vì sự thiếu trách nhiệm, ban quản lý sân lại lý giải là đang đợi “phía” Mỹ Tâm đến dọn, chứ không phải là không dọn như dư luận đang chỉ trích.
Đại diện Ban quản lý sân Phú Thọ cho rằng, nếu ngập rác bên ngoài khu vực sân thì còn có lỗi, còn đây là bên trong khuôn viên “sân nhà” của họ. Cách mà đại diện Ban quản lý sân Phú Thọ “giãi bày” khiến dư luận thêm bức xúc. Thế nào là “sân nhà của chúng tôi”? Lẽ nào sân Phú Thọ là tài sản tư nhân của ai đó?
Tất nhiên, tới giờ phút này thì Ban quản lý cũng đã cho dọn sạch rác trong khuôn viên sân vận động Phú Thọ. Song, thay vì im lặng thì đại diện Ban quản lý sân Phú Thọ lại vẫn thích “nói lại cho rõ”: Sau khi kết thúc live show của Mỹ Tâm, đơn vị này đã dọn dẹp nhưng khi tháo dỡ sân khấu thì còn sót lại rác ở bên dưới, chứ không phải để ngập rác.
Nếu đúng như lời giải thích của đại diện Ban quản lý sân vận động Phú Thọ, sau khi tháo dỡ sân khấu mới “lộ ra” cả “núi rác” ở dưới, tại sao đơn vị này không lập tức cho dọn dẹp từ hôm 25/4, mà phải đợi tới khi bị dư luận chỉ trích (2/5)? Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu không có ai “nhắc”, liệu Ban quản lý sân Phú Thọ có “dọn ngay” rác không?
Ngay cả trong lời giải thích của đại diện Ban quản lý sân vận động Phú Thọ cũng đã có những ý tự mâu thuẫn với nhau. Khi chưa kịp dọn rác, để chống chế với dư luận, đại diện ban quản lý sân Phú Thọ nói rằng đợi phía ca sĩ Mỹ Tâm dọn. Khi bị sức ép phải dọn sạch sân vận động Phú Thọ rồi thì lại nói rằng đó chỉ là số rác “sót lại” ở dưới sân khấu?
Rác ngập trên sân vận động Phú Thọ nói là vấn đề lớn thì là lớn, nói nhỏ thì nó là nhỏ. Song, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm ở đây chính là ý thức bảo quản tài sản công của Ban quản lý sân vận động Phú Thọ, cũng như thái độ dám chịu trách nhiệm với việc làm sai.
Thử hỏi, mỗi năm ngân sách (dù của TP Hồ Chí Minh hay của Trung ương thì cũng vẫn là tiền thuế của dân) đã phải chi ra không ít tiền để duy tu, bảo dưỡng sân vận động Phú Thọ, nếu thực trạng quản lý thiếu trách nhiệm như vừa rồi thì liệu có gọi là “quăng tiền qua cửa sổ”? Như vậy có được gọi là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Chỉ đơn cử, mặt cỏ các sân vận động phải được chăm chút thường xuyên mới có thể đảm bảo tiêu chuẩn cho các cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao. Ấy vậy mà chỉ cần vài lần hàng tuần không dọn rác (nếu không được “nhắc”), liệu cỏ có lên xanh tốt được không, nếu không muốn nói chúng sẽ lụi tàn héo úa? Đó là tiền cả đấy chứ không phải vỏ hến đâu.
Hiện, với số lượng rất lớn sân vận động trên cả nước, hàng năm các tỉnh, thành phố (chưa kể cả Trung ương) phải đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để bảo dưỡng, duy tu. Nếu như ban quản lý sân vận động nào trên cả nước cũng thiếu ý thức quản lý, bảo vệ tài sản công như vậy, thử hỏi bao nhiêu tiền thuế của dân bù đắp vào cho vừa?
Nói vậy để thấy rằng, từ một việc tưởng như nhỏ, đó là để rác ngập sân vận động, ban quản lý sân phải có sự cầu thị chứ không phải là thanh minh. Ai cũng có lúc làm sai, đơn vị nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng khó tránh sơ sót. Dư luận không vì thế mà “săm soi”, nếu mỗi cá nhân, đơn vị dám nhìn thẳng vào sự thật và chịu trách nhiệm.
Trong câu chuyện sân vận động Phú Thọ ngập rác sau hàng tuần kết thúc live show của ca sĩ Mỹ Tâm, lẽ ra đại diện Ban quản lý sân vận động Phú Thọ trước tiên cần phải cảm ơn facebooker đã nhắc nhở. Đồng thời xin lỗi dư luận vì chưa làm tròn phận sự được giao, rồi sau đó lập tức cho dọn sạch rác, chứ không phải là oán trách người đưa status.
Thực tế chỉ ra rằng, khi con người ta dám công nhận mình đã sai thì mới có thể sửa chữa và không tái phạm. Còn nếu vì chịu áp lực, bị chế tài buộc phải khắc phục hành vi sai trái, trong khi anh ta vẫn tâm niệm trong đầu rằng mình không sai, thì vẫn sẽ có rất nhiều “lần sau”, chứ không thể sửa đổi để không phạm phải lỗi lầm cũ nữa.
Đáng tiếc, trong cuộc sống mấy ai chịu thừa nhận mình đã sai nếu không bị “chỉ tận tay, day tận mặt”. Với nhiều người, ngay cả khi đã “ba năm rõ mười” vẫn còn cố gắng “đăng đàn” ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Vậy nên các cụ mới có câu: Được cãi chày, thua cãi cối. Thật đáng trách khi tình trạng nói trên vẫn ở trong các cơ quan quản lý nhà nước, dù ở bất cứ lĩnh vực nào.