Họa sĩ Mai Trung Thứ: Một tâm hồn Việt
Cái tên danh họa Mai Trung Thứ của Việt Nam là từ khóa được tìm kiếm nhiều trong những ngày vừa qua. Có lý do là bởi, bức tranh “Portrait de Mademoiselle Phuong” (tạm dịch: Chân dung cô Phương) của ông được giao dịch hôm 18/4 đến 3,1 triệu USD (tính cả thuế, phí - khoảng 72 tỷ đồng). Đến thời điểm này, đây là bức tranh của danh họa gốc Việt có giá cao nhất trên thị trường hội họa thế giới.
1. Họa sĩ Mai Trung Thứ là một trong những tài năng hội họa của mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Mai Trung Thứ nằm trong danh sách học viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930), đồng môn khóa I với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ...
Sau khi ra trường, bằng tài năng và tâm huyết, tên tuổi Mai Trung Thứ dần gắn liền với những bức tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông. Sau này, ông được ví là một trong “tứ kiệt trời Âu” của nền hội họa Việt Nam, gồm: Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm.
Trong những năm qua, tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ chưa bao giờ có giao dịch rẻ. Và tại những phiên đấu giá quốc tế, mỗi khi có tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ đều nhanh chóng được gõ búa thành công.
Trở lại với bức tranh “Portrait of Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phương) đang gây xôn xao trong giới mỹ thuật và các nhà sưu tập. Bức tranh này được họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ bằng chất liệu sơn dầu, kích cỡ 78x135cm, trưng bày lần đầu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Nhiều tài liệu cho biết, tác phẩm này đã được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris (Pháp) và ngay sau triển lãm kết thúc, một nhà sưu tập tranh người Pháp mua bức tranh này. Qua thời gian, tác phẩm nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs D’Indochine: Property from the Madame Dothi Dumonteil Collection (Ký ức Đông Dương: Bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil) thuộc sở hữu của bà Dothi Dumonteil. Bà cùng chồng mình Pierre Dumonteil - một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng - đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam.
Giờ đây, sau 90 năm, “Portrait of Mademoiselle Phuong” lại lộ diện và tạo nên một dư chấn trong cộng đồng sưu tập tranh thời Đông Dương.
Tại phiên đấu giá ở nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong, tác phẩm đã gây xôn xao khi được bán khởi điểm với giá 500 nghìn USD, sau đó nâng lên 1,9 triệu USD và dừng ở mức 2,573 triệu USD. Sau khi tính thuế phí, bức tranh đạt 3,1 triệu USD và trở thành bức tranh Việt có mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Tác phẩm vẽ người một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc Hà Nội thời bấy giờ. Bức tranh được nhà đấu giá Sotheby’s miêu tả “là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Đặc biệt, tác phẩm còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Trung Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ”.
Bức tranh này từng nằm trong bộ sưu tập của gia đình bà Madam Dothi (Đỗ Thị Lan) ở Pháp. Bà Lan là người con gốc Huế di cư đến Pháp từ khi còn rất nhỏ. Trước khi kết hôn và trở thành một nhà sưu tầm nghệ thuật, Madam Dothi từng được biết đến với tư cách người mẫu thời trang cho các nhà Haute Couture như Pierre Cardin, Dior, Chanel và là nàng thơ của nhà thiết kế Yves Saint Laurent. Cùng với chồng, Pierre Dumonteil - một nhà sưu tầm và nhà đấu giá có kiến thức uyên bác về lịch sử và thị trường nghệ thuật, Madam Dothi Dumonteil đồng sáng lập Galerie Dumonteil, có trụ sở ở Paris và các chi nhánh ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Manhattan (New York). Trong suốt hơn ba thập niên cùng nhau theo đuổi nghệ thuật hiện đại và đương đại từ trời Âu sang đất Á, hai ông bà đã mua lại những tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ (bao gồm Portrait of Mademoiselle Phuong) và nhiều họa sĩ Việt Nam khác, bổ sung vào bộ sưu tập của gia đình Dumonteil.
2. Như đã nói ở trên, Mai Trung Thứ là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam. Trong những năm theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu và đi sâu vào vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó. Bạn đồng khóa là họa sĩ Lê Phổ khi đó đánh giá Mai Trung Thứ là người vẽ giỏi nhất khóa. Dần dà về sau, Mai Trung Thứ chuyển sang vẽ tranh lụa - chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Tranh lụa của Mai Trung Thứ mang tới cho người đối diện cảm giác bình yên, thư thái…
Những năm 1930, cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp nơi ông đến định cư sau này. Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936, Mai Trung Thứ quyết định ở lại sống và hoạt động nghệ thuật tại Paris - nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài thiếu nữ, trẻ em, phong cảnh làng quê...
Theo nhà phê bình Nguyễn Hải Yến, Mai Trung Thứ đã để lại một tài sản tinh thần vô giá với những bức tranh nhẹ như gió thoảng của những “Nụ hôn”, “Hạnh phúc”, “Trường thọ”, “Tuổi thơ”, “Tĩnh vật hoa ly”… Chỉ cần điểm qua những tên gọi tác phẩm đã thấy bảng lảng đâu đó một Mai Trung Thứ yêu đời - lãng tử trong nền nghệ thuật tạo hình cận hiện đại Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ sống xa Tổ quốc, tên tuổi họa sĩ Mai Trung Thứ ít được nhắc đến nếu so với các họa sĩ cùng thời. Tuy nhiên, ngoài những cống hiến cho nền hội họa Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp quý báu cho nền điện ảnh Việt Nam. Một số tài liệu vẫn còn ghi nhận: Năm 1946, ông gửi về nước bộ phim tài liệu ông quay được với nhan đề “Sức sống của 25.000 Việt kiều tại Pháp” do chính ông đứng tên hãng sản xuất. Bộ phim sau đó được chiếu rộng rãi trên các rạp ở Hà Nội. Cũng năm 1946, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Cộng hòa Pháp. Khi đó, họa sĩ Mai Trung Thứ là Giám đốc một hãng phim đã được cử đi cùng Bác Hồ 4 tháng để quay phim, ghi lại các hoạt động của Hồ Chủ tịch trên đất Pháp. Năm 1975, họa sĩ Mai Trung Thứ đã tặng lại cho Việt Nam những thước phim quý giá này…
3. Vì có một quãng đời sống và vẽ ở Pháp, nên trong mắt các nhà sưu tập, tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ có những giá trị riêng, nhiều câu chuyện khác biệt với nhiều họa sĩ cùng thời. Như với bức “Chân dung cô Phượng”, nó cho thấy một bước chuyển của Mai Trung Thứ mà nhiều tác phẩm sau này của ông nếu đem ra đấu giá cũng khó vượt mốc 3,1 triệu USD như vừa rồi.
Họa sĩ Mai Trung Thứ mất ngày 10/10/1980 tại Pháp, hưởng thọ 75 tuổi. Ông ra đi, để lại một tài sản tinh thần quý với những bức tranh thấm đẫm hồn cốt Việt, tinh thần Việt: “Chuyện trò”, “Vấn tóc”, “Hạnh phúc”, “Mẹ và em bé”, “Trường thọ”, “Lễ bái”, “Thiếu nữ”, “Tiệc trà”, “Say ngủ”, “Mẹ dạy thêu thùa”, “Trẻ con chơi”… Và ở thời điểm này, bức “Chân dung cô Phương” được đấu giá ở mức cao kỷ lục phần nào chứng tỏ tài năng và tình yêu của ông với hội họa.
Ngày 20/2/2019, chính quyền xã Tân Tiến, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng và gia tộc họ Mai Trung đã tổ chức lễ đón di cốt cố họa sĩ Mai Trung Thứ - nhân sĩ, Việt kiều yêu nước từ Cộng hòa Pháp về an táng tại quê hương.
Tranh lụa Mai Trung Thứ không chỉ được người Pháp yêu quý mà còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) chọn như một biểu tượng nghệ thuật của tình yêu dành cho trẻ em trên toàn thế giới.