Đảm bảo nguồn cung lương thực
Vấn đề an ninh lương thực dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 đang được thế giới và khu vực quan tâm, đặc biệt là khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Việt Nam.
Tại “Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Nông nghiệp Đông Á với chủ đề Xây dựng hệ thống thực phẩm đến năm 2030” mới đây, Thứ trưởng bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: Dù phải đương đầu với sự tác động của Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo cuộc sống cho 100 triệu dân và hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.
Nêu ra hàng loạt những khó khăn, thách thức: Trong năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phải đương đầu với nhiều khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, mà còn chịu nhiều tác động bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...
Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương tương đương với tăng trưởng của cả nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm ổn định, làm nền tảng cho ổn định chính trị - xã hội trong đại dịch.
“Ngành nông nghiệp đã nỗ lực hoàn thành 4 chỉ tiêu lớn quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao trong năm 2020, đó là tăng trưởng GDP toàn diện đạt trên 2,65%; xuất khẩu đạt kỷ lục với trên 41,2 tỷ đô la Mỹ (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ đô la Mỹ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% theo chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 62%. 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD gồm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều và gạo. Đây là những con số rất ấn tượng trong bối cảnh thương mại toàn cầu chao đảo vì dịch bệnh”- ông Phùng Đức Tiến dẫn chứng.
Về trung và dài hạn, Việt Nam đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất cung ứng bền vững, xanh, chất lượng, công nghệ số, đổi mới tổ chức sản xuất. Phát triển chuỗi giá trị nông sản thông minh nhằm nâng cao hiệu quả, giảm lao động trực tiếp. Ưu tiên đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng toàn cầu. Áp dụng số hóa mạnh mẽ trong hệ thống quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp.
Nói như ông Phùng Đức Tiến thì thời gian qua, Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Đây chính là điều kiện căn bản để góp phần giúp Việt Nam và ngành nông nghiệp phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo cuộc sống cho 100 triệu dân và hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia khác.