Hàng Việt chinh phục thị trường Hoa Kỳ

THANH GIANG 05/05/2021 13:21

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hàng hóa Việt Nam đang có nhiều lợi thế nhất định để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Và thực tế, Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt chào hàng sản phẩm để tìm cơ hội thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.

Hàng Việt được người tiêu dùng Hoa Kỳ hướng đến

Không ít ý kiến nhận định, thời gian tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ có phần khởi sắc hơn. Hàng hóa Việt Nam cần tận dụng cơ hội để chen chân vào thị trường này tốt hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC) khẳng định: “Hoa Kỳ là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt”.

Ông Tín giải thích, thứ nhất Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau. Thứ hai, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ. Thứ ba, phía Hoa Kỳ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp nước này thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mở rộng đầu tư, kết nối thị trường hai nước. Do đó, Hoa Kỳ là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt. Từ những lý do trên nên Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó Việt Nam.

Ông Alexander Tatsis, Tham tán kinh tế, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM cho hay, năm 2020 với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt tỷ trọng cao. Điều này cho thấy, người tiêu dùng Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác, thay vì nhập khẩu nguồn cung ứng ở các truyền thống sang. Hàng hóa Việt Nam đang được người tiêu dùng Hoa Kỳ hướng đến. Cụ thể, nhu cầu những sản phẩm chất lượng của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng tăng.

Hiện, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới và thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) xét về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong năm 2020. Điều đáng lưu ý, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2021 , Hoa Kỳ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 22,2 tỷ USD. Trong đó có rất nhiều mặt hàng có kim ngạch nổi trội như: Nội thất, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử,…

Thâm nhập bằng sản phẩm chất lượng cao

Mặc dù thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ đang hứa hẹn là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Tuy nhiên, thị trường này vẫn là thị trường khó tính, yêu cầu doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu tốt phải hoàn thiện sản phẩm theo hướng chất lượng cao.

Ông Alexander Tatsis chia sẻ, chính quyền Hoa Kỳ hiện nay đặc biệt quan tâm đến biến đổi khí hậu. Vì vậy, các sản phẩm của Việt Nam với mô hình sản xuất hướng đến ít khí thải, ít ảnh hưởng môi trường sẽ là lợi thế lớn khi xuất khẩu. Hiện Hoa Kỳ đang có như cầu cao về các sản phẩm sản xuất của Việt Nam như găng tay y tế không bột, đồ gỗ - nội thất, sản phẩm công nghệ phục vụ công nghệ thông tin, thủy sản, nông nghiệp,…

Còn theo ông Ken D. Dương, Giám đốc điều hành Công ty Luật quốc tế TDL, trong tương lai, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến sản phẩm, chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững để nắm bắt cơ hội nâng cao giá trị cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng tranh chấp thương hiệu như Gạo ST25.

Theo bà Nguyễn Bá Thiên Thư, Trưởng đại diện Công ty Registrar Corp: Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Chính phủ Hoa Kỳ với hai vai trò chính là “người giữ cổng” và “cảnh sát”. Trong vai trò “người giữ cổng”, FDA thực hiện cấp giấy phép cho những bộ phận quyết định về dược phẩm, thiết bị y tế, phụ gia thực phẩm… phù hợp với thị trường. Họ đặt ra những tiêu chuẩn, thường dành cho sản phẩm đầu vào của công chúng và công nghiệp. Còn đứng trên vai trò “cảnh sát”, FDA được quyền đặt ra các quy định và thực hiện thanh tra việc tuân thủ các quy định đó; đồng thời, phát hành những “thư cảnh cáo”, kết hợp bắt giữ cùng với hải quan, khởi tố tội phạm.

“Theo quy định của Hoa Kỳ, các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, kho bãi, nơi lưu trữ sản phẩm phải thực hiện đăng ký số FDA. Đồng thời tuân thủ những quy định ghi nhãn mới và Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của FDA”- bà Thư nói.

THANH GIANG