Chuyện gì đang xảy ra với ‘Hoa hậu gạo Việt’?
Đó là gạo ST24, ST25 từng được xếp hạng ngon nhất, nhì thế giới (năm 2019 và 2020).
Vừa qua, thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ. Nhưng câu chuyện không “mắc kẹt” ở đó.
Mới đây nhất, liên quan đến vụ việc gạo ST24, ST25 bị Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Úc kèm nội dung là “Gạo, Gạo ngon nhất thế giới”; ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc (gọi tắt là Thương vụ), cho biết đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thương hiệu gạo có tiếng của Việt Nam tại thị trường này.
Cụ thể, Thương vụ đã trao đổi thông tin với ông Hồ Quang Cua - tác giả giống lúa ST24, ST25 và đề nghị phối hợp hành động. Cùng đó, Thương vụ cũng đã chủ động trao đổi với lãnh đạo Công ty T&L Global foods Supply PTY LTD (doanh nghiệp đã có đơn đăng ký bảo hộ gạo ST24, ST25) về vấn đề này.
Chưa hết, Thương vụ còn gửi công văn cùng tài liệu, hình ảnh kèm theo đến Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Úc (IP Australia) để làm rõ giống lúa tên ST 24, ST 25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Thương vụ cũng đang tiến hành trao đổi với các luật sư tại Úc để chuẩn bị các bước tiếp theo như quy định của IP Australia.
Đáng chú ý, theo Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc, cần phối hợp để đẩy nhanh các thủ tục liên quan, vì không có vụ Công ty T&L thì sớm hay muộn cũng sẽ có công ty khác thực hiện các việc làm tương tự.
Đây được coi là “hành động hiếm hoi” rất đáng biểu dương trong việc cơ quan chức năng chủ động vào cuộc để bảo vệ một thương hiệu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài. Vì sao lại nói như vậy? Chỉ riêng với gạo ST25 thôi, hẳn mọi người còn nhớ khi bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, thì lại có chuyện “đá qua đá lại”.
Nói như đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thì khi sự việc đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng không thể hỗ trợ gì được cho doanh nghiệp trong việc đòi lại thương hiệu đã bị đăng ký bảo hộ tại các nước trên thế giới, “không thể làm thay cho doanh nghiệp, không thể giúp doanh nghiệp đi đòi lại thương hiệu đã mất”. Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp (ở đây là kĩ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của dòng gạo ST) thì tự doanh nghiệp không thể xử lý được vì thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Nay, với cách xử lý của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc, hy vọng “Hoa hậu gạo Việt” vẫn là của Việt Nam mà không sang tay người khác. Quan trọng là những cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, không đẩy trách nhiệm sang doanh nghiệp mà thôi.