Châu Âu cố chặn đà suy thoái

Hà Anh 05/05/2021 06:34

Trong khi các nước châu Á, đặc biệt là Ấn Độ đang quay cuồng với làn sóng mới của dịch Covid-19 thì tình hình tại châu Âu lại có những tín hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế của châu lục này đã bị tổn thương lớn sau hơn 1 năm chống chọi với đại dịch.

Nhiều biện pháp cứu vãn nền kinh tế đang được tính đến, trong đó, mở cửa biên giới đang được các quan chức châu Âu đề xuất.

Suy thoái kép

Theo trang tin Euronews.com, nền kinh tế châu Âu chính thức bước vào cuộc suy thoái trong 3 tháng đầu năm 2021, khi khu vực này phải vật lộn với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và việc triển khai tiêm chủng vaccine chậm chạp.

Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (EU-Eurostat) cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 0,6% trên toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý 1/2021 và giảm 0,4% trên toàn EU27 (27 nước trong EU). Điều này khiến nền kinh tế châu Âu suy giảm quý thứ hai liên tiếp và rơi vào cuộc suy thoái kép sau khi phục hồi tăng trưởng vào mùa Thu năm ngoái.

Đức, nền kinh tế số 1 Eurozone, đã giảm 1,7% trong quý 1, tồi tệ hơn mức giảm 1,5% mà các nhà phân tích dự báo trước đó. Trong khi nền kinh tế Tây Ban Nha giảm 0,5%, Italy giảm 0,4%. Bồ Đào Nha giảm mạnh nhất, với 3,3%. Chỉ riêng nền kinh tế Pháp tăng trưởng 0,4% trong quý 1, sau khi sụt giảm vào cuối năm 2020. Sự phục hồi được cơ quan thống kê quốc gia Pháp mô tả là “hạn chế”.

Chi tiêu tiêu dùng của Pháp cũng tăng 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2021, bất chấp việc áp dụng lại một số quy định về phòng dịch Covid-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tuần đã thông báo về việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong tương lai, với các quán cà phê, quán bar và nhà hàng có thể phục vụ ngoài trời từ ngày 19/5, giúp phục hồi phần nào nền kinh tế.

Mặc dù sản lượng kinh tế châu Âu sụt giảm nhỏ hơn mức giảm 1% mà các nhà kinh tế dự đoán, nhưng vẫn còn khoảng cách so với mức phục hồi của Mỹ và Trung Quốc, hai trụ cột của nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu tăng trưởng của Mỹ công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2021, được thúc đẩy bởi việc tiêm chủng Covid-19 trên diện rộng và gói kích thích chi tiêu quy mô lớn.

Kinh tế châu Âu suy thoái vì Covid-19.

Mở cửa biên giới

Nhìn về phía trước, các nhà kinh tế tin tưởng khả năng phục hồi của nền kinh tế Eurozone trong năm 2021. Mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn vào cuối quý 2 vì chương trình tiêm chủng cho phép các chính phủ dỡ bỏ những quy định phòng dịch.

Các quan chức Ủy ban châu Âu ngày 4/5 tiếp tục gửi đi thông điệp cho biết khối này muốn mở cửa lại toàn bộ biên giới với các nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 để bắt đầu đón du khách trở lại từ tháng 6/2021.

Theo bản kế hoạch được Ủy ban châu Âu đề cập, việc mở lại hoàn toàn biên giới Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 6/2021 để đón du khách trong dịp du lịch Hè sẽ đi kèm hai điều kiện chính. Đầu tiên, EU sẽ chỉ mở cửa lại biên giới với những nước đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong một thời gian dài, với các chỉ số về tỷ lệ lây nhiễm trong dân chúng ngang bằng hoặc thấp hơn EU. Thứ hai, những du khách đã được tiêm các loại vaccine ngừa Covid-19 được EU công nhận sẽ được chào đón nếu xuất trình được giấy chứng nhận y tế.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, hiện tại là thời điểm mà châu Âu cần thúc đẩy các nỗ lực để hồi sinh ngành du lịch của khối này sau hơn 1 năm đóng cửa biên giới với du khách từ hầu hết các nước trên thế giới. Hiện tại, chỉ có công dân đến từ 7 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Thái Lan, Singapore và Rwanda được phép thực hiện các chuyến đi thông thường đến EU. Hành khách từ các nước và vùng lãnh thổ khác chỉ được nhập cảnh vào các nước EU trong một số trường hợp ngoại lệ.

Với kế hoạch mở lại biên giới, dự tính sẽ thực hiện ngay đầu tháng 6/2021, số lượng quốc gia được đưa vào danh sách an toàn của EU chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần do hiện tại mức độ dịch Covid-19 tại châu Âu vẫn đang cao hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Á, Bắc Mỹ hay nước láng giềng Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, để kế hoạch này được thực hiện, Ủy ban châu Âu cho biết vẫn cần phải gấp rút gỡ bỏ được một số trở ngại. Do chính sách y tế là thẩm quyền của mỗi nước thành viên EU nên dù mở cửa biên giới nhưng một số nước thành viên có thể sẽ tiếp tục duy trì quy định xét nghiệm và cách ly bắt buộc đối với du khách đến từ bên ngoài EU.

Vẫn theo bà Ursula von der Leyen, dù kế hoạch đưa ra là khả thi nhờ tốc độ tiêm vaccine đang được đẩy nhanh tại châu Âu nhưng khối này vẫn cần phải xây dựng một cơ chế “phanh khẩn cấp” để có thể phản ứng nhanh chóng nếu tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong dịp Hè.

Trong khi đó tại Anh, Chính phủ Anh cũng tỏ ra thận trọng khi khuyến cáo người dân Anh chưa nên vội đặt vé du lịch châu Âu trong Hè mà cần chờ các thông tin dịch bệnh rõ ràng hơn. Khác nhiều nước châu Âu, nước Anh đã khống chế thành công dịch Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng, với tỷ lệ nhiễm bệnh hiện chỉ ở mức trên 20 ca/100.000 dân, tức thấp hơn khoảng 20 lần so với Pháp.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó đã cam kết sẽ sớm mở lại các chuyến bay du lịch từ Anh đi các nước khác từ ngày 17/5 nhưng vẫn kêu gọi dân chúng Anh nên chờ đợi thêm.

“Chúng tôi sẽ thông tin sớm nhất có thể. Ủy ban An ninh đang xem xét xem các quốc gia nào sẽ thực sự an toàn trong thời gian tới. Tôi nghĩ là cần phải cẩn trọng. Chúng tôi muốn mở lại một số hoạt động từ ngày 17/5 nhưng tôi không nghĩ là người dân Anh lại muốn một làn sóng dịch bệnh đến từ nơi khác. Do đó cần phải rất nghiêm khắc và thận trọng tối đa khi dần mở lại mọi thứ” - ông Boris Johnson nói.

Ngày 3/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo bắt đầu đánh giá việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho nhóm đối tượng từ 12-15 tuổi. Việc đánh giá được thực hiện theo đề nghị của phía Mỹ. Tuyên bố của EMA nêu rõ, quyết định của cơ quan này sẽ chủ yếu dựa vào kết quả đánh giá, dự kiến sẽ có vào tháng 6, trừ khi cần thêm thông tin bổ sung.

Hà Anh