Nam Á trong cơn lốc Covid-19
Hiện nay, khi Mỹ - quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới đang dần kiểm soát được đại dịch nhờ chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng thì nhiều nước tại khu vực Nam Á lại đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh tệ hại, chủ yếu liên quan đến các biến chủng mới phát hiện ở Ấn Độ.
Biến chủng nguy hiểm ở Ấn Độ
Mới đây, một biến chủng của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại miền Nam Ấn Độ với tên gọi N440K gây nguy cơ tử vong cao gấp 15 lần cho bệnh nhân Covid-19. Biến chủng này đồng thời cũng đã được phát hiện ở nhiều khu vực khác nhau của Ấn Độ.
Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm biến chủng này đang giảm và được thay thế bằng biến chủng SARS-CoV-2 có đột biến kép và biến chủng Anh. Đây là nhận định của Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử (CCMB), Ấn Độ dựa trên việc phân tích số liệu giải trình tự gen.
Các biến chủng thay thế cho N440K đang lây lan tại các bang chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ trong đợt dịch hiện tại. Các dòng lây nhiễm biến chủng N440K không phải là các dòng chủ đạo trong làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Ấn Độ. Thay vào đó, các biến chủng đang được chú ý là B.1.617 (hay biến chủng kép bắt nguồn từ Ấn Độ) và B.1.1.7 (biến chủng có nguồn gốc từ Anh). Tuy nhiên, khả năng gây chết người của N440K lại cao gấp 15 lần các biến chủng còn lại ở Ấn Độ.
Một ngày sau khi trở thành quốc gia thứ hai có số ca mắc Covid-19 vượt 20 triệu ca chỉ sau Mỹ, ngày 5/5, Ấn Độ lại ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục là 3.780 ca, nâng số bệnh nhân không qua khỏi vì Covid-19 tại nước này lên 226.188 người.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 382.315 ca mắc, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 20.665.148 ca. Đây cũng là ngày thứ 14 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới.
Đợt bùng phát dịch dữ dội đã đẩy hệ thống y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ. Các bệnh viện không còn chỗ trống, bệnh nhân phải chật vật tự chữa tại nhà, tử vong trong xe cứu thương hoặc ngay bên ngoài cơ sở y tế. Ngay cả những người được nhập viện cũng nguy kịch, bởi các bệnh viện đang thiếu nguồn oxy và thậm chí đề nghị gia đình bệnh nhân tự mang oxy đến.
Tiến sĩ Hiral Shah, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Ấn Độ cấp bang, cho biết, tại thành phố Surat ở bang Gujarat, gần 150 người bị từ chối nhập viện mỗi ngày. “Các bệnh viện của chúng tôi đang bị quá tải ngay cả chỉ với số bệnh nhân trong thành phố. Vì thiếu oxy, chúng tôi không thể tiếp nhận những người đến từ các khu vực xung quanh”, ông nói.
Không chỉ Ấn Độ…
Nepal cũng đang chứng kiến số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng nhanh khiến các bệnh viện và nhà hỏa táng bắt đầu quá tải. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Nepal giờ đây lên đến hàng nghìn, tập trung tại thủ đô Kathmandu và thành phố biên giới Nepalgunj thuộc tỉnh Lumbini.
Liên tiếp những ngày gần đây, Nepal đều ghi nhận số người tử vong do Covid-19 ở mức 2 con số. Đến nay, Nepal có tổng cộng hơn 3.300 người đã tử vong do đại dịch trong số hơn 343.000 ca mắc. Đợt bùng phát dịch mạnh ở Nepal hiện nay được cho chủ yếu là do sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ mặc dù Nepal đã đóng cửa biên giới để ngăn dịch lây lan.
Nếu đầu tháng 3, mỗi ngày Nepal chỉ ghi nhận chưa đầy 100 ca/ngày thì hiện giờ quốc gia châu Á này ghi nhận hàng nghìn ca mỗi ngày. Bộ Y tế Nepal cho biết, tỷ lệ người mắc Covid-19 nặng đang tăng lên nhanh chóng trong 2 tuần qua.
Số người mắc Covid-19 tăng nhanh khiến hệ thống bệnh viện của Nepal rơi vào tình trạng quá tải. Bộ trưởng Y tế Hridayesh Tripathi cảnh báo: “Hệ thống y tế của chúng ta không thể cầm cự được nếu dịch duy trì mức độ bùng phát như hiện nay”.
Trước tình hình bùng phát nghiêm trọng hiện nay, Bộ Y tế Nepal đã khuyến cáo người dân nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Nhiều địa phương của Nepal cũng bắt đầu phong tỏa, hạn chế người dân đi lại, chỉ cho phép ra ngoài khi có nhu cầu cấp bách về y tế hoặc mua sắm nhu yếu phẩm.
Người phát ngôn Chính phủ Nepal Parvat Gurung cho hay, Nepal quyết định ngừng tất cả các chuyến bay nội địa kể từ đêm 3/5, và các chuyến bay quốc tế từ đêm 5/5.
Cùng với đó, Pakistan cũng đang hứng chịu cảnh cạn kiệt nguồn oxy. Số ca nhiễm Covid-19tại đây bắt đầu gia tăng hồi đầu tháng 3 và ngày càng có chiều hướng đi lên, song song với làn sóng thứ hai ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, dù số người chết vì Covid-19 đã ở mức 3 con số, mức cao chưa từng thấy trong vòng một ngày ở nước này, trong khi hơn 88.000 ca nhiễm vẫn chưa hồi phục, nhưng Bộ Y tế Pakistan khẳng định, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng Covid-19 Ấn Độ. Dù vậy, mọi hình thức di chuyển từ Ấn Độ đã bị cấm từ ngày 19/4.
Trong bài phát biểu trên truyền hình tuần trước, lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Covid-19 Quốc gia cảnh báo Pakistan đã sử dụng 90% nguồn oxy và đang đối mặt tình huống “khẩn cấp”.
Chính phủ Pakistan đã huy động quân đội hỗ trợ thực thi các biện pháp phòng chống Covid-19, đồng thời ban hành một số hạn chế mới như đóng cửa các nhà hàng mở ngoài trời, phòng gym và trường học đến lớp 12. Những chuyến du lịch và hoạt động đi lại giữa các tỉnh trong kỳ nghỉ lễ Eid vào tháng 5, một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Hồi giáo, cũng bị cấm.
Trong bài phát biểu tuần trước, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết, ông không muốn ban lệnh phong tỏa, “nhằm cứu sinh kế của những người nghèo nhất đất nước”. Tuy nhiên, ông Khan cảnh báo, nếu người dân không tuân thủ các nguyên tắc giữ an toàn, ông có thể “không còn lựa chọn nào khác”.
Trong khi đó, Bangladesh, quốc gia nằm ở phía Đông Ấn Độ, cũng ghi nhận số ca nhiễm bắt đầu tăng từ tháng 3, đạt đỉnh vào đầu tháng 4 và nghiêm trọng hơn mọi đợt bùng phát trước đó.
Tuy nhiên, các con số đang có chiều hướng giảm sau khi giới chức tiến hành biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và ngừng các chuyến bay. Hôm 26/4, Bangladesh quyết định đóng cửa biên giới với Ấn Độ trong hai tuần, dù hoạt động thương mại vẫn được duy trì.