Thúc đẩy hiệu quả hoạt động của tàu 67
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được thực hiện đã tạo điều kiện giúp ngư dân Ninh Thuận đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn để khai thác xa bờ (tàu 67). Bên cạnh những tàu 67 hoạt động hiệu quả, thực tế cũng phát sinh những khó khăn cần sớm tháo gỡ.
Tạo cơ hội vươn khơi
Những năm qua, thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, Nghị định 89/2015/NĐ-CP (Nghị định 89) của Chính phủ cùng các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của địa phương, nhiều ngư dân ở Ninh Thuận đã thực hiện được mong ước đóng những tàu cá có công suất lớn với trang thiết bị máy móc hàng hải hiện đại đủ sức vươn khơi xa, bám biển dài ngày.
Ngư dân Đào Nhật Định, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, công suất 829 CV cho biết, được hỗ trợ vốn vay của Nhà nước, gia đình bỏ thêm vốn đầu tư đóng mới tàu cá vỏ composite dài 24 mét trị giá 13 tỷ đồng. Năm 2018, tàu bắt đầu vươn khơi, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào khai thác nên mỗi chuyến biển đánh bắt được hàng chục tấn hải sản, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi trên 2 tỷ đồng/năm. Đến nay, gia đình đã trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng với số tiền trên 2,5 tỷ đồng theo đúng tiến độ cam kết.
Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, ông Đào Quốc Thắng chia sẻ, là xã biển nhưng trước đây hoạt động khai thác thủy sản ở địa phương chưa được phát huy đúng mức. Kể từ khi có chính sách phát triển kinh tế biển của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định 67 ra đời đã tạo đòn bẩy giúp ngành thủy sản của địa phương có bước phát triển mạnh. Đến nay, xã có đội 12 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 dài 24 mét tham gia khai thác vùng khơi.
Để giúp ngư dân vững vàng vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá với tổng dự toán gần 490 tỷ đồng. Đến nay, cả 43 dự án đều đã hoàn thành, đi vào hoạt động gồm 1 tàu vỏ thép, 24 vỏ composite và 18 tàu vỏ gỗ.
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và Nghị định 89 đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, tập quán đánh bắt của ngư dân địa phương. Lần đầu tiên, Ninh Thuận có những tàu cá được đóng bằng vỏ thép, composite với chiều dài trên 20 mét, trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 800CV với trang thiết bị khai thác hải sản hiện đại.
Đội tàu đánh bắt xa bờ mà nòng cốt là các tàu 67 đã góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh, sản lượng khai thác năm 2020 đã đạt hơn 118.286 tấn; trong đó, khai thác vùng khơi đạt 78.556 tấn (chiếm tỷ lệ 66,41%), các loài hải sản có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu hải sản khai thác.
Để chính sách phát huy hiệu quả
Theo thống kê của các địa phương và ngân hàng thương mại từ khi triển khai chính sách vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 đến nay có 65% tàu cá hoạt động hiệu quả. Trong số 43 dự án đóng “tàu 67” có 25 tàu khai thác có hiệu quả, các chủ tàu trả nợ gốc và lãi đúng cam kết với ngân hàng. Số tàu còn lại hoạt động không hiệu quả hoặc hòa vốn khiến việc trả nợ ngân hàng của các chủ tàu gặp nhiều khó khăn.
Qua phân tích, các tàu hoạt động hiệu quả là do các chủ tàu đã có kinh nghiệm khai thác, mẫu tàu cá lựa chọn đóng phù hợp với tập quán đánh bắt và chủ tàu có khả năng tài chính để xoay vòng sản xuất. Cơ quan chức năng cũng chỉ ra các tàu cá hoạt động không hiệu quả do các nguyên nhân chính như khả năng tài chính thấp, chủ tàu thiếu vốn lưu động để đi khai thác, thu mua hải sản; ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan về thời tiết, ngư trường, nhiều tàu cá dù tích cực bám biển nhưng do nguồn lợi ngư trường giảm sút dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, thu không đủ bù chi.
Ngoài ra, kinh nghiệm khai thác vùng khơi còn hạn chế, một số chủ tàu thiếu quyết tâm, phương án sản xuất không hiệu quả dẫn đến hoạt động thua lỗ, cầm chừng. Quá trình vận hành các trang thiết bị khai thác của một số tàu gặp trục trặc cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian bám biển khai thác. Nguồn lao động đi biển khan hiếm, tình hình dịch bệnh Covid -19 gây khó khăn cho nhiều chủ tàu khi hoạt động khai thác.
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để phát huy năng lực tàu 67, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường hướng dẫn ngư dân xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp, tập trung đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hướng dẫn kỹ thuật khai thác kết hợp dự báo, đánh giá trữ lượng hải sản trên các vùng biển để cơ cấu sản xuất hợp lý.
Cùng đó, các địa phương đẩy mạnh nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển và tăng hiệu quả đánh bắt.
Để hạn chế nợ xấu các khoản vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá tiếp tục phát sinh và tăng cường công tác quản lý tài sản bảo đảm, Sở kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn lưu động để tàu cá tiếp tục duy trì hoạt động, tạo điều kiện cho các chủ tàu thực hiện trả nợ theo đúng cam kết.