Bắc Ninh: Vì sao mắc nhiều sai phạm Cụm công nghiệp Làng nghề Mẫn Xá vẫn hoạt động rầm rộ?
Bất chấp việc bị UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) lập biên bản xử phạt, cho tới nay cụm công nghiệp (CCN) Làng nghề Mẫn Xá vẫn hoạt động rầm rộ.
Liên quan tới Cụm công nghiệp Làng nghề Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), mới đây, ngày 17/3, Phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện Yên Phong tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự xây dựng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka.
Vậy nhưng, việc lập biên bản vi phạm dường như không mang nhiều ý nghĩa đối với chủ đầu tư của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka, chủ đầu tư CCN Làng nghề Mẫn Xá. Bởi hiện tại, các doanh nghiệp, cơ sở tái chế nhôm thải nơi đây đang hoạt động sản xuất rầm rộ. Nhiều cơ sở, nhà xưởng, lò nấu nhôm mới được khẩn trương xây dựng.
Thiếu nhà máy xử lý nước thải, dùng đường nội bộ tập kết, phân loại chất thải nguy hại
Biên bản vi phạm được phía Phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện Yên Phong lập với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka, chủ đầu tư CCN Làng nghề Mẫn Xá, bao 3 hành vi gồm: Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định và vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka là chủ đầu tư dự án CCN Làng nghề Mẫn Xá với diện tích 29,6 hecta. CCN Làng nghề Mẫn Xá được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka chia thành 600 lô đất bao gồm: 400 lô dành cho người dân làng nghề nấu nhôm Mẫn Xá thuê làm xưởng tái chế nhôm. Còn lại 200 lô được dành cho thuê làm các dịch vụ khác.
Hiện tại trong CCN Làng nghề Mẫn Xá đã có nhiều hộ doanh nghiệp thuê đất, xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động, bất chấp việc lập biên bản vi phạm hành chính của Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Phong.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết online, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh (đề nghị được giấu tên) cho hay, hiện CCN Làng nghề Mẫn Xá mới chỉ dừng lại ở những hạng mục cơ bản như phân lô, đường nội bộ, hệ thống điện, hệ thống nước.
Trong khi đó, các hạng mục quan trọng là hệ thống xử lý ô nhiễm tập trung, ô nhiễm nước, chất thải, không khí… thì vẫn chỉ là con số 0. Vẫn theo vị này, nếu trong thời gian ngắn tới mà chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka không hoàn thành hệ thống xử lý ô nhiễm nêu trên, thì việc xây dựng CCN Làng nghề Mẫn Xá không mang nhiều ý nghĩa.
Vị này cho biết thêm, việc chưa hoàn thành các hạng mục hệ thống xử lý môi trường mà đã cho phép các doanh nghiệp, cơ sở tái chế nhôm thải – trong quá trình sản xuất phát sinh chất thải nguy hại, sẽ tạo ra tiền lệ xấu và cũng là điểm phát sinh mới về nguồn chất thải ô nhiễm môi trường.
Liên quan tới vụ việc, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, theo khảo sát của Đại Đoàn Kết online, không khí sản xuất tại CCN Làng nghề Mẫn Xá vẫn sôi động. Hàng loạt nhà xưởng, lò nấu nhôm phế thải được chủ doanh nghiệp khẩn trương xây dựng, lắp đặt mới.
Dọc theo những tuyến đường nội bộ thuộc CCN, không biết cơ man nào là bụi lò, xỉ lò phát sinh trong quá trình tái chế nhôm thải, được xếp đống, che đậy sơ sài.
Thậm chí, nhiều cơ sở tái chế nhôm còn thuê người, sử dụng đường nội bộ làm nơi phân loại, tận thu bã nhôm. Tình trạng trên không những là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến người ta liên tưởng tới một làng nghề với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hơn là quy mô theo đúng nghĩa CCN Làng nghề Mẫn Xá.
Giá thuê đất cao ngất ngưởng
Thấu hiểu nỗi thống khổ khi phải mưu sinh trong môi trường ô nhiễm làng nghề nấu nhôm Mẫn Xá từ nhiều năm qua, nên ngay từ thời điểm giao đất ruộng cho chủ đầu tư với giá 400.000 đồng/m2, để thực hiện dự án, gia đình ông Mẫn Văn Phúc đã gom góp vốn liếng nhằm thuê đất, mở xưởng, xây lò tái chế nhôm.
Nhưng giờ mong ước của gia đình ông Phúc rất khó thành hiện thực, bởi giá thuê đất CCN Làng nghề Mẫn Xá cao ngất. Theo lời ông Phúc, thời điểm đó họp dân để thu hồi đất ruộng, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hanaka có đưa ra lời cam kết, CCN Làng nghề Mẫn Xá đi vào hoạt động, người dân trong làng sẽ được thuê đất với giá ưu đãi, 4 triệu đồng/m2.
Vậy nhưng, hiện giá thuê đất trong CCN Làng nghề Mẫn Xá không dưới 7 triệu đồng/m2. Có những lô đẹp, giá thuê lên tới 12 triệu đồng/m2. Thời hạn thuê đất là 50 năm. Đất thuê được chia theo lô. Lô nhỏ nhất có diện tích 200m2.
Chỉ với một phép tính nhẩm đơn giản, để ra được một cơ sở tái chế nhôm với diện tích tối thiểu 200m2, cộng với công xây dựng nhà xưởng, ông Phúc cũng như nhiều hộ dân trong làng nghề sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều tỉ đồng. Và con số này đang là thách thức với những người dân như ông Phúc, đang ngày đêm mong mỏi được vào CCN, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong làng nghề, thoát khỏi cái tiếng “làng ung thư” đeo đẳng họ cả chục năm nay.
Qua tìm hiểm, giá thuê đất tại KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thông thường dao động từ 2, 2 – 2,5 triệu đồng/m2. Còn tại KCN nằm trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), ngay giáp với huyện Yên Phong (Bắc Ninh), 5.400m2 nhà xưởng 2 tầng, được cho thuê với giá chưa tới 1,2 triệu/m2/năm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Gia – Chủ tịch UBND xã Văn Môn, Dự án CCN Làng nghề Mẫn Xá vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các hạng mục liên quan tới xử lý, đảm bảo cho môi trường còn thiếu, nên chưa có giá thuê đất cụ thể.
Nhà đầu tư bị chính quyền kêu giời!
Liên quan tới nhà đầu tư CCN Làng nghề Mẫn Xá, ông Nguyễn Hoàng Gia – Chủ tịch UBND xã Văn Môn không ngần ngại cho hay: không riêng gì bản thân ông, mà nhiều cán bộ, nhân viên của xã cũng đã đều được nghe quá nhiều lời phản ánh về Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka, như giá thuê đất CCN Làng nghề Mẫn Xá quá cao so với nhiều nơi khác, khiến nhiều hộ dân không đủ khả năng. Rồi việc để các lò nấu nhôm gây ô nhiễm trong chính CCN Làng nghề Mẫn Xá… hay tự ý tân lấp, san ủi mặt bằng khi chưa được giao đất.
“Mới đây, để nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tránh tình trạng người dân đơn thư, khiếu kiện, chỉ trong vòng tháng 3, UBND xã Văn Môn chúng tôi đã phải 2 lần ra văn bản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka”, ông Gia chia sẻ.
Theo đó, trong văn bản số 61/UBND-ĐCXD, ngày 18/3, do ông Nguyễn Hoàng Gia ký, đóng dấu, nội dung thể hiện: “Qua phản ánh của người dân và nắm bắt tình hình tại địa phương hiện dự án xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao, trường tiểu học và các tuyến đường xã Văn Môn đang trong quá trình thực hiện chi trả tiền bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất, nhưng nhà đầu tư - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka đã tự ý tổ chức san ủi, tân lấp mặt bằng khi chưa được giao đất. Yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dừng ngay việc san lấp mặt bằng”.
Theo lời ông Gia, văn bản lần một bị phía nhà đầu tư “phớt lờ”, cực chẳng đã, tới ngày 30/3, UBND xã Văn Môn ra tiếp văn bản mang 74/UBND-ĐCXD về việc “Dừng tân lấp, san ủi mặt bằng và cung cấp hồ sơ của dự án”. Văn bản lần này được gửi tới hai địa chỉ, UBND huyện Yên Phong và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka. “UBND xã Văn Môn báo cáo UBND huyện Yên Phong được biết và có hướng chỉ đạo”, nội dung văn bản thể hiện.
Tới ngày 5/4, UBND huyện Yên Phong có tờ trình số 588/TTr-UBND về việc “Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka”, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh.
Lý do xử phạt được nêu rõ trong tờ trìn:h “Lấn chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn. Tổng diện tích đất vi phạm là 5,6 hecta. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 7, điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ”.