Người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Ai phải chịu trách nhiệm?
Những ngày qua, việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú bất hợp pháp tại Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khiến xã hội hết sức lo lắng. Tình hình càng nghiêm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát, lây lan ra cộng đồng chủ yếu đến từ các ca nhập cảnh. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm khi nhiều người nước ngoài bằng cách nào đó đã vào sâu trong nước ta mang theo rất nhiều ẩn họa?
Ngày 3/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, phát hiện tại số nhà 19 đường Ngô Gia Tự, phường Khai Quang có 9 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc đang lưu trú nhưng không có hộ chiếu và thị thực.
“Nóng bỏng” nhập cảnh trái phép
Quá trình điều tra xác minh, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và tổ chức kiểm tra 5 địa điểm trên địa bàn phường Liên Bảo và phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên) phát hiện tổng số 52 người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú trái phép tại địa bàn tỉnh do Nguyễn Thị Hồng Hạnh (36 tuổi, trú ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) đứng ra thuê và tổ chức cho số người Trung Quốc trên lưu trú. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, xử lý theo pháp luật.
Tại tỉnh biên giới Lào Cai, Công an tỉnh Lào Cai cũng vừa triệt phá đường dây đưa gần 200 người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới Việt - Trung. Công an TP Lào Cai đã bắt giữ đối tượng Bùi Thị Ngọc (26 tuổi, trú tại xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), có hành vi vượt biên trái phép qua biên giới.
Từ lời khai của Ngọc, Công an TP Lào Cai phối hợp với các đơn vị liên quan triệu tập các đối tượng có liên quan là Giàng Mỷ, Hoàng Sang, Thào Thành và Giàng Nhà, cùng trú tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Qua đấu tranh, các đối tượng trên khai nhận đã làm thuê cho Giàng Mỷ từ tháng 4/2020 đến nay. Nhóm của Sang, Nhà và Thành đã thực hiện trót lọt 90 vụ, đưa gần 200 người xuất, nhập cảnh trái phép qua địa phận thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương...
Tại Thủ đô Hà Nội, trong những ngày qua, Cơ quan công an phát hiện nhiều vụ người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép. Điển hình, qua công tác quản lý cư trú, phòng chống Covid-19, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tiến hành kiểm tra đột xuất 1 căn hộ tại toà nhà C3 - D’Capital - Trung Hoà.
Thời điểm này, có 5 người Trung Quốc tạm trú, nhưng chỉ 1 trong số đó xuất trình được giấy tờ nhập cảnh hợp lệ. Đêm 2/5, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội đồng loạt kiểm tra tạm trú 9 căn phòng tại chung cư Florence (số 28 phố Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm), phát hiện 46 đối tượng là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Mới đây nhất, chiều 4/5, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hà Đông tiến hành kiểm tra và phát hiện có nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, ở tòa A, chung cư Samsora (số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông). Nhóm người Trung Quốc ở bên trong đã cố thủ, không chịu mở cửa. Đến 19h cùng ngày, lực lượng chức năng quyết định phá khóa.
Khi đó, trong căn hộ có 11 người (7 nam, 4 nữ) đều mang quốc tịch Trung Quốc, không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ. Ngoài 11 người này, lực lượng công an cũng phát hiện 1 người phụ nữ khác mang quốc tịch Trung Quốc không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ khi đang ở sảnh tòa nhà chung cư Samsora.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, các đối tượng sử dụng chung một phương thức chia thành nhóm nhỏ lẻ, lợi dụng đêm tối để vượt biên qua đường mòn, lối mở, sau đó thuê ôtô, di chuyển về tập kết về địa bàn Hà Nội và lưu trú tại các căn hộ homestay. Các đối tượng khai rằng, mục đích nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tìm việc làm qua rao vặt, quảng cáo, tìm kiếm công việc trên mạng internet…
Theo Thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn toàn quốc nói chung và Hà Nội nổi lên tình trạng người nước ngoài (đa số là người Trung Quốc) nhập cảnh trái phép nhằm mục đích tìm kiếm việc làm...
Đại tá Hoàng Văn Chính, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội cho biết, xác định hoạt động nhập cảnh trái phép của người nước ngoài là một trong những nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn thủ đô, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Thành ủy, UBND TP Hà Nội, ngay từ khi có chủ trương về hạn chế nhập cảnh, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai các chủ trương, biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý hoạt động nhập cảnh trái phép.
Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi ngày có khoảng 100 đến 150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp.
Tiềm ẩn nguy cơ từ lao động “chui”
Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐTB&XH, tính đến đầu tháng 4/2021, có 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%...
Lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Trong số hơn 100.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, số lao động thuộc diện được cấp phép lao động mới hoặc cấp lại chiếm tới hơn 93%.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài sẽ tăng và chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép hơn 27.000 người…
Để có thể được làm việc tại Việt Nam, theo Bộ LĐTB&XH, lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Quy định là vậy nhưng thực tế hiện nay ở một số địa phương có hiện tượng lao động nước ngoài được cấp phép ở tỉnh khác lại đến làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương. Đáng chú ý có hiện tượng doanh nghiệp khi đề nghị cấp phép sử dụng lao động nước ngoài là nhà quản lý, nhưng thực tế lại chỉ là lao động kỹ thuật đơn thuần.
Trách nhiệm khi để “lọt lưới”
Có thể thấy những người nhập cảnh trái phép chính là mối đe dọa lớn làm ảnh hưởng đến những nỗ lực phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị và người dân trong suốt thời gian qua. Chính vì vậy việc “vá” các lỗ hổng về xuất nhập cảnh được xem là giải pháp quan trọng để ngăn chặn mối nguy cơ bùng phát dịch cũng như đảm bảo tình hình trật tự an ninh xã hội.
Theo đó, tại các khu vực biên giới, cần siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tập trung các hướng, địa bàn trọng điểm. Ðối với tuyến “phòng thủ” trong nội địa, chủ công là lực lượng công an cần tiếp tục mở cao điểm tiến công trấn áp tội phạm liên quan việc xuất, nhập cảnh trái phép.
Cùng với siết chặt công tác nhập cảnh, theo các chuyên gia trong nội địa công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần được siết chặt.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Hùng- Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội) cho biết: về xử lý hành chính, Điểm a Khoản 5, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi “Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép” bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Điểm Đ, Khoản 6, Điều 17, Nghị định 167 quy định Hành vi “Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Nếu người vi phạm là người nước ngoài, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về xử lý vi phạm hình sự, trường hợp đến mức bị xử lý hình sự thì mức hình phạt cao nhất mà người phạm tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là bị phạt đến 15 năm tù giam theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015.
Nhận định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi để trình trạng nhập cảnh, cư trú trái phép, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trong nước và trên toàn thế giới, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chủ chốt mà các ban ngành, các địa phương cần phải chú trọng, đặt lợi ích về sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên hàng đầu.
Việc một số địa phương bỏ lọt cho người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh trái phép và cư trú trái phép trong lãnh thổ nước ta là điều khá rủi ro và thực tế đã gây ra đợt bùng phát dịch bệnh Covid - 19 lần thứ tư mới đây.
Đây một phần là do sự phức tạp của dịch bệnh, nhưng cũng thể hiện sự lơ là, trong quản lý của các ban ngành, chính quyền địa phương. Trong những trường hợp này, có thể xử lý bằng các hình thức lỷ luật đối với người đứng đầu- người có trách nhiệm lớn nhất trong tổ chức, ban ngành, các biện pháp kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo... (theo quy định tại Điều 79, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019).
Trong các trường hợp các ban ngành, chính quyền địa phương mà có hành vi tiếp tay, cố tình để cho việc nhập cảnh trái phép được diễn ra thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 17 Nghị định 167/2013, mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Nếu cán bộ có nhiệm vụ lại lợi dụng quyền hạn của mình để giúp cho các đối tượng nhập cảnh trái phép thì sẽ bị xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 348 mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam…