Công ty Nhật Cường có lợi nhuận ‘khủng’ từ nguồn hàng buôn lậu
Công ty Nhật Cường mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, số hàng trị giá hơn 4.200 tỷ đồng không có hóa đơn.
Ngày 6/5, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (chủ Công ty Nhật Cường, hiện đang bỏ trốn) đã trực tiếp và chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện hành vi giao địch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm: điện thoại di động (các loại nhãn hiệu: iPhone, Blackberry, HTC New One, Samsung Galaxy, YotaPhon; máy tính các loại hiệu Apple iPad, Apple Macbook); các loại máy nghe nhạc; đồng hồ thông minh… có tổng giá trị thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Sau khi mua hàng, Huy không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà bỏ ra số tiền hơn 72,9 tỷ đồng để thuê vận chuyển hàng trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tính tới thời điểm bị phát hiện, Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu được tổng số tiền hơn 3.213 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 221 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống MISA ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.
Tài liệu từ Cục Thuế TP Hà Nội thể hiện giai đoạn 2014 - 2018, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 503 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.889 tỷ đồng. Giai đoạn này, Nhật Cường đã nộp vào ngân sách hơn 1.378 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, hệ thống ERP do Bùi Quang Huy và đồng phạm sử dụng cho thấy, giai đoạn từ năm 2014 - 2018 doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 883 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỷ đồng.
Qua hệ thống ERP cũng cho thấy, Công ty Nhật Cường đã mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỷ đồng nhưng Công ty này chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, số hàng còn lại trị giá hơn 4.200 tỷ đồng là không có hóa đơn.
Tại toà, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường) giải thích về lý do ra đời hệ thống bí mật ERP là do khi doanh nghiệp mở rộng mảng bán lẻ thì thường xuyên xảy ra mất mát tiền và hàng hóa. “Do đó, anh Huy đã yêu cầu xây dựng hệ thống ERP để quản lý, bị cáo nghĩ như vậy”, bị cáo này nói.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc phản đối cáo buộc về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo này cho rằng bản thân chỉ phạm tội “Buôn lậu”.
Bị cáo này thanh minh, bản thân chỉ sử dụng hệ thống ERP, không được sử dụng hệ thống Misa nên không thể lập các báo cáo thuế, báo cáo tài chính gửi cơ quan nhà nước.
“Bản thân là Giám đốc tài chính, có trách nhiệm theo dõi dòng tiền, thu chi còn việc sổ sách, báo cáo là việc của Kế toán trưởng, bị cáo chỉ báo cáo anh Huy tình hình thu chi hằng ngày. Bị cáo không hỗ trợ kế toán trưởng, không xem xét yêu cầu cấp vốn, không hoạch định chính sách cho Nhật Cường”.