Điểm mới trong chính sách lao động của ASEAN

An Chi 06/05/2021 17:54

Nhận thức được những khó khăn và rào cản trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTB-XH) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Quỹ Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc đã điều phối thực hiện Dự án “Lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững” trong Kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch công tác của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) giai đoạn 2016 - 2020.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Đào tạo khu vực thực hiện Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm hướng tới Việc làm Bền vững cho tất cả" đã được Bộ LĐTB-XH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc tổ chức theo hình thức trực tuyến đạt được nhiều kết quả mới, khả quan.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Bộ LĐTB-XH đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính mà Quỹ Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, ILO, UN WOMEN vì những cam kết đồng hành cùng Việt Nam và ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể trong lĩnh vực lao động ở cấp quốc gia và khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Bộ LĐTB-XH hướng dẫn sẽ góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ nhà nước phụ trách lĩnh vực lao động và bình đẳng giới và các bên liên quan khác về quan điểm về giới trong các quyền cơ quan của con người và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

"Hướng dẫn cũng sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên, các cơ quan liên quan của ASEAN và các đối tác phát triển xem xét các cơ hội, thách thức liên quan để thúc đẩy các điển hình tốt về lồng ghép giới trong quá trình thực hiện các chính sách lao động và việc làm tại các nước thành viên ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ai bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Được biết, sự kiện có sự tham gia trực tuyến của Ban Thư ký ASEAN, đầu mối phụ trách hợp tác về lao động và phụ nữ của các nước thành viên ASEAN, đại diện ILO, UN WOMEN khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Hàn Quốc; các đại biểu tại Hà Nội, gồm đại diện các bộ, ngành, hội và liên hiệp hội liên quan đến giới, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) và một số Công ước của ILO liên quan đến bình đẳng giới và làm việc, các nước thành viên ASEAN đã chú trọng đến việc lồng ghép giới vào tất cả các trụ cột và các lĩnh vực của Cộng đồng ASEAN nhằm cải thiện bình đẳng giới và thúc đẩy nhân quyền trong khu vực.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy công việc và bình đẳng giới trong chính sách và thực tiễn, tuy nhiên các nước thành viên ASEAN vẫn phải đối mặt với một số thách thức ở cả cấp khu vực và quốc gia với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ thấp hơn rất nhiều so với nam giới.

Theo đó, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới luôn thấp hơn tỉ lệ nam giới. Phụ nữ có xu hướng tìm việc làm chủ yếu ở các công việc có kỹ năng thấp, lương thấp như giúp việc gia đình, làm vườn, làm đồ thủ công… So với nam giới, phụ nữ còn tham gia các công việc dễ bị tổn thương hơn, bị quấy rối tình dục nhiều hơn…

Theo báo cáo của ILO, nữ lao động di cư có mức lương thấp hơn và ít được bảo vệ hơn khiến họ dễ bị bóc lột và lạm dụng, đặc biệt là trong công việc giúp việc gia đình.

Vì bất bình đẳng trên thị trường lao động, các nước đang phát triển mất đi trung bình 17,5% thu nhập. Nếu tình trạng này được cải thiện, các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng 370 tỉ USD GDP mỗi năm (dự tính đến năm 2025).

Ông Kung Phoak, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN chia sẻ, mặc dù đại dịch Covid-19 đã và tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế trên khắp thế giới, đại dịch sẽ kéo theo hiệu ứng suy thoái đối với bình đẳng giới.

Viện dẫn một nghiên cứu thống kê của McKinsey, ông Kung Phoak quan ngại, việc làm của phụ nữ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này cao hơn 1,8 lần so với nam giới.

"Hơn nữa, phụ nữ chiếm 39% việc làm toàn cầu nhưng lại chiếm 54% tổng số việc làm mất việc. Việc làm của nữ giới đang giảm nhanh hơn mức trung bình, ngay cả khi phụ nữ và nam giới làm việc trong các lĩnh vực khác nhau", Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN nói.

Với thực tế này, theo ông Kung Phoak, giải quyết vấn đề bình đẳng giới trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo hơn nữa sự tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực. Lồng ghép bình đẳng giới cũng được phản ánh trong quá trình phục hồi đại dịch của khu vực.

Trong thế giới việc làm đang đổi thay, ông Kung Phoak đánh giá cao Hướng dẫn này là rất kịp thời. Tuy thế, ông lưu ý, để Hướng dẫn này thực sự đồng bộ, đòi hỏi sự hợp tác giữa các bộ, ngành, bởi vấn đề lao động lồng ghép liên quan rộng lớn nhiều lĩnh vực, có như vậy mới hướng tới mục tiêu chung là lồng ghép giới một cách hiệu quả.

Đồng thuận, Giám đốc UN Women khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, TS. Mohammad Naciri khẳng định, Hướng dẫn của ASEAN về lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người đã cung cấp một bước quan trọng để đạt được bình đẳng giới về công việc.

"Hướng dẫn này cũng thể hiện cam kết của ASEAN trong việc đặt bình đẳng giới vào trọng tâm của di cư lao động và việc làm ổn định, phù hợp với ưu tiên được nêu trong Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch hành động ASEAN - LHQ 2021 - 2025", TS. Mohammad Naciri nói.

Nhấn mạnh cần tăng cường bảo vệ pháp luật và xã hội, đặc biệt là đối với phụ nữ lao động nhập cư và phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức, vì theo Giám đốc UN Women khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, do rủi ro của họ trong việc làm dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

An Chi