Kinh tế châu Á vượt trội các thị trường mới nổi khác về 'sức đề kháng'
Hoạt động thương mại cũng tạo cho châu Á một “tấm đệm giảm xóc” nữa trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi xuất khẩu của khu vực này phục hồi khá nhanh.
Trong năm thứ hai của đại dịch COVID-19, những lo ngại quen thuộc về lạm phát, khả năng vốn thoái lui hay nợ công đang bắt đầu bủa vây các nền kinh tế đang phát triển.
Nhưng ở châu Á, các nhà hoạch định chính sách lại không quá bận tâm đến vấn đề được cho là điển hình của các thị trường mới nổi này, khi các nền kinh tế của họ dường đang ngày càng phục hồi.
Trong 10 năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các nền kinh tế châu Á ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn nhiều và lạm phát thấp hơn các thị trường mới nổi khác, phần lớn là nhờ những bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng trong gần 3 thập niên qua, từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đến khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự kiện “taper tantrum” của năm 2013 (Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn).
Các nền kinh tế châu Á giờ đây có dự trữ ngoại hối cao, hệ thống tài chính vững mạnh và vị thế khó có thể xoay chuyển là công xưởng của thế giới.
Các thị trường chứng khoán trong khu vực này, cũng như ở các nước phát triển, đã khởi sắc trong suốt thời kỳ đại dịch, trong khi thị trường chứng khoán của các khu vực mới nổi khác lại lao đao.
Tại Ấn Độ, quốc gia đang chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất của dịch COVID-19, Thống đốc ngân hàng trung ương Shaktikanta Das, cho biết dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2000, và điều này giúp New Delhi tin tưởng họ có thể giải quyết được hiệu ứng lây lan toàn cầu của dịch bệnh.
Tương tự, dự trữ ngoại hối của Indonesia và Thái Lan cũng đang ở gần các mức cao kỷ lục sau khi lần lượt tăng gấp năm lần và bảy lần kể từ năm 2000.
Tất cả những điều này đã giúp các nhà hoạch định chính sách ở châu Á hầu như không nao núng trước những lo ngại về lạm phát đang ám ảnh nhiều nền kinh tế mới nổi khác.
Giữa lúc lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đang trên đà đi lên và giá thực phẩm, năng lượng và các nguyên vật liệu thô tăng mạnh, các quốc gia mới nổi như Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải tăng lãi suất trong năm nay, dù các nền kinh tế này vẫn đang phục hồi từ dịch COVID-19.
Ngược lại, ngân hàng trung ương các nước châu Á lại có quan điểm giống với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hơn, khi cho rằng sự gia tăng của giá cả là không lớn và chỉ mang tính tạm thời.
Không một nền kinh tế mới nổi nào ở châu Á nâng lãi suất cho đến thời điểm này của năm 2021, và chỉ có Pakistan được dự đoán sẽ đi “nước cờ” này trong năm nay, theo Bloomberg.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại cũng tạo cho châu Á một “tấm đệm giảm xóc” nữa trong thời kỳ đại dịch, khi xuất khẩu của khu vực này phục hồi khá nhanh. Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), vốn là hai nhà cung cấp bán dẫn lớn cho thị trường đang thắt chặt trên toàn cầu, đặc biệt vững mạnh về mặt này.
Chuyên gia quản lý quỹ Ian Samson của công ty Fidelity International ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định khi xét về các nền tảng của nền kinh tế, dù là tăng trưởng cơ cấu hay cân bằng tài khóa, thì châu Á đều trội hơn Mỹ Latin và các thị trường nới nổi ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Ông cho rằng châu Á đặc biệt nổi trội trong thị trường vốn của các nước đang phát triển, khi chiếm phần lớn trong tổng số vốn đầu tư, một phần vì khu vực này có nhiều doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp này lại đa số nằm ở các lĩnh vực tăng trưởng cao như công nghệ.
Chuyên gia Paul Sandhu từ mảng quản lý tài sản của Ngân hàng BNP Paribas dự đoán sự vượt trội này của châu Á sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai gần, không chỉ bởi những thế mạnh về kinh tế mà còn ở khả năng quản trị.
Ông cho biết trong giai đoạn đầu của đại dịch, châu Á đã xử lý tình hình tốt hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác, dù là ở các thị trường mới nổi hay phát triển.