Giá vàng bật tăng sau 9 tuần 'ngủ im'
Vàng vẫn là mặt hàng kim loại quý khó đoán định về giá. Dù những dự đoán đưa ra cho rằng, giá vàng ngắn hạn giảm nhưng nhìn lại dữ liệu vàng tuần qua, giá vàng có mức tăng đáng ghi nhận.
Trái ngược với đoán định
Tuần đầu của tháng 5, giá mặt hàng kim loại quý đã tăng đáng kể. Lật ngược lại biểu đồ giá vàng trong tuần qua cho biết sáng 4/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng trên sàn Kitco ở mức 1.791 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng mạnh nhờ đồng USD yếu hơn, giá dầu thô ổn định trên 54 USD/thùng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về 1,641%.
Nhận định về thị trường và hướng đi của giá vàng, nhiều ý kiến cho rằng, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lạc quan về sự phục hồi kinh tế thì vàng sẽ khó bứt phá cao hơn. Hơn nữa, kim loại quý này sẽ gặp khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ các loại tài sản khác như đồng USD, cổ phiếu và thậm chí cả bitcoin. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vàng có khả năng sẽ trồi sụt mạnh, thất thường cho đến khi một chất xúc tác mang tính định hướng mới xuất hiện.
Còn giá vàng trong nước thì sao? Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, giá vàng trong nước cũng đã nhích tăng khi giá vàng thế giới đã bật tăng mạnh lên mức cao nhất của hơn 9 tuần qua.
Cùng thời điểm ngày 4/5, tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ở mức 55,35 - 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đến ngày 5/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng trên sàn Kitco đang ở mức 1.778 USD/ounce, quay đầu giảm 9 USD/ounce. Điều này đã kéo theo sự sụt giảm của giá vàng SJC. Cụ thể, tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ở mức 55,3 - 55,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng.
Ngày 6/5, với thị trường trong nước, tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ở mức 55,31 - 55,66 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở cả hai chiều so với chốt phiên ngày 5/5.
Tuần vừa qua giá vàng có thể tiếp tục tập trung sự chú ý khi các yếu tố như chỉ số đồng USD, lạm phát và số liệu tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố kéo đẩy này được nhìn nhận là nguyên nhân khiến giá vàng tiếp tục giằng co trong vùng 1.700 độ giảm nhiều hơn tăng.
Tuy nhiên qua thống kê sơ bộ từ 3 phiên giao dịch gần nhau cho thấy dù có nhiều yếu tố tác động nhưng giá vàng gần như không bị xáo động giảm nhiều. Giá vàng tăng nhiều hơn kỳ vọng. Và thực ra, vàng vẫn là mặt hàng khó đoán định về giá.
Trong khi đó nhìn về phía dài hạn, yếu tố hỗ trợ giá vàng là chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ngân hàng trung ương các nước. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị kìm hãm bởi sự tăng điểm khó lường của thị trường cổ phiếu và thị trường tiền kỹ thuật số. Cuộc khảo sát của Reuters ở 42 nhà phân tích và doanh nhân cho thấy kết quả dự báo giá vàng trung bình năm 2021 sẽ là 1.784 USD/ounce, và năm 2022 sẽ là 1.743 USD/ounce – giảm mạnh so với các mức tương ứng là 1.925 USD và 1.908 USD trong cuộc khảo sát tháng 3/2021 vừa qua. Cá biệt 1 số chuyên gia nhận định, ngưỡng 2.300 USD/ounce trong năm nay.
Người Việt vẫn thích vàng
Cũng liên quan đến vàng, một nghiên cứu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam vừa được công bố cho thấy người Việt vẫn thích vàng.
Cụ thể sau khi tiến hành khảo sát mẫu 2000 nhà đầu tư, có tới 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng ở thị trường Việt Nam, mạnh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%. Vàng là sản phẩm ưu tiên hàng đầu của 68% nhà đầu tư; nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh với 72% đã đầu tư vào vàng trong 1 năm gần đây
Kết quả sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng là rất lớn khi người Việt tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài.
Trên thị trường hiện nay, dù đã không còn cảnh xếp hàng mua vàng như những năm 2013, 2014 nhưng cứ hễ đến dịp ngày vía Thần Tài, các doanh nghiệp vàng vẫn chuẩn bị một lượng lớn vàng để phục vụ người dân. Số lượng vàng bán ra trong dịp lễ của năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy, người dân vẫn ưa vàng.
Chị Hoàng Thu Trang ( Phố Lương Yên – Hà Nội) trao đổi, năm nào chị cũng cố dành tiền để mua được 5 chỉ vàng, thời điểm mua không cố định.
“ Tôi đặt ra một con số như vậy để phấn đấu. Sau này, con cái cưới xin cũng để làm của hồi môn” - chị Trang nói.
Nhiều người trung niên khi được hỏi về vàng cũng đã chia sẻ rằng, vẫn dành dụm chi tiêu hàng tháng để mua vàng phòng nhiều việc khi về già, có biến cố lại bán vàng để xử lý công việc.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư tài chính, trong các kênh đầu tư hiện nay, vàng đứng đầu về khả năng sinh lời, nhưng chỉ đứng thứ hai về thanh khoản và đứng thứ ba về mức độ an toàn nếu so sánh với các kênh chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm ngân hàng.
Và chính giới chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên bỏ một phần vốn đầu tư vào vàng để tránh rủi ro. Vàng có khả năng tăng giá khả quan, song rủi ro lao dốc vẫn luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, kênh tiền gửi tiết kiệm vẫn có tỷ suất sinh lời khá, tính an toàn và thanh khoản cao. Do đó, vàng phù hợp đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng kiếm lời.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu từng nói, đầu tư vào vàng một cách thận trọng và hợp lý không phải là một ý tồi.
Cần thêm 1 thương hiệu vàng quốc gia nữa?
Ở một diễn biến mới nhất, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) đã đưa ra 1 kiến nghị nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó là xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất. Với mục tiêu rút gần khoảng cách giữa giá vàng trong nước với quốc tế, khi thời gian vừa qua đã có sự chênh lệch cao, có thời điểm lên tới hơn 7 triệu đồng/lượng.
Thứ hai, theo VGTA, nhiều quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của Chính phủ, trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định. Trong đó, một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập quốc tế so với thời điểm ban hành Nghị định, cách đây gần 10 năm. Chính vì vậy, cần sửa đổi theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp và Hiệp hội dự kiến sẽ tiếp tục trình NHNN ngay từ quý II/2021.
Thứ ba, đề xuất bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay. Việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng sẽ giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng trên thị trường, tạo lợi thế cho người dân khi mua vàng.
Thứ tư, VGTA cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, trước mắt có thể thí điểm tại Hà Nội hoặc TPHCM. Điều này sẽ giúp loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp pháp, tăng huy động vàng trong dân, giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt và chống thất thu thuế của Nhà nước.