Bảo tàng chưa hấp dẫn
Có thời điểm bảo tàng ở Việt Nam được ví von như 'nàng công chúa' ngủ mãi trong rừng sâu vì đa phần các bảo tàng đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, vắng vẻ đìu hiu.
Hay nói thẳng là hoạt động không hiệu quả. Phải chăng do tư duy, cách vận hành của những người làm công tác bảo tàng chưa hấp dẫn được khách tham quan?
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, ngành bảo tàng tại Việt Nam cũng đã có một số đổi mới áp dụng những ứng dụng công nghệ số trong hoạt động trưng bày. Đây cũng chính là một trong những xu hướng phổ biến của các bảo tàng trên thế giới hiện nay.
Như bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày. Bằng ứng dụng công nghệ hiện đại, giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngay cả khi trưng bày đã kết thúc.
Gần đây nhất phải kể đến sự kiện của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã thành công trong việc biến tầng hầm Nhà Quốc hội trở thành một bảo tàng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Chính sự áp dụng các ứng dụng công nghệ 3D, mapping, media, hologram, đồ họa… đã giúp khách tham quan tiếp cận và hiểu rõ hơn về lịch sử của kinh đô Thăng Long.
Hiện nay, một số bảo tàng nhờ có sự đổi mới nên đã thu hút được khách tham quan lui tới như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Khi đến đây, du khách được trực tiếp nghe người dân của các vùng miền chia sẻ những câu chuyện gắn với văn hóa, tập tục của địa phương mình trong một không gian mở thay vì bị bó hẹp trong phòng trưng bày cứng nhắc như cách làm thường thấy.
Cùng với đó, khách tham quan còn được tham dự các hoạt động giao lưu văn hóa, trẻ em có phòng riêng để khám phá các giá trị văn hóa - lịch sử phù hợp với lứa tuổi... Nhờ vậy, khách tham quan thuộc nhiều thế hệ khác nhau đều có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa.
Trong khi đó, có những bảo tàng tư nhân dù mới khai trương nhưng đã thu hút khách đến xem. Ví như Bảo tàng Tố Hữu mới đi vào hoạt động vào đầu tháng 10/2020 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu. Chỉ vỏn vẹn khoảng 120 m2 nhưng với phong cách trưng bày khoa học và đổi mới, bằng sự kết hợp nhiều phương tiện nghe nhìn, bảo tàng đã cố gắng cung cấp cho người xem một cách đầy đủ và đa chiều các tư liệu bối cảnh quốc tế, đất nước và cá nhân nhà thơ trong gần một thế kỷ nhiều biến động. Sự đổi mới, áp dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày của ngành bảo tàng đã thu lại được những kết quả khả quan.
Việc mạnh dạn mở ra một hướng đi mới trong tổ chức các hoạt động trưng bày ít nhiều đã thay đổi quan niệm của giới làm bảo tàng trong nước. Đây như một cuộc cách mạng trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam và đưa hoạt động của bảo tàng chuyển từ “tĩnh” sang “động”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc áp dụng các ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày bảo tàng thì các yếu tố chính khác như hiện vật và nội dung. Và để duy trì, phát triển tốt cho ba yếu tố chính này thì con người đóng vai trò chủ chốt. Bởi chính con người lựa chọn loại hình ứng dụng công nghệ phù hợp nhất với các nội dung, hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Để từ đó tạo ra sức hút với khách tham quan.
Trên thực tế, không phải bảo tàng nào cũng sẵn sàng thay đổi. Hiện nay, nước ta có gần 200 bảo tàng công lập và tư nhân nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự hiệu quả không nhiều. Đa phần các bảo tàng đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, sự thu hút khách tham quan ở mức thấp. Với hệ thống bảo tàng lớn như vậy thì nguyên nhân vì sao lại kém hấp dẫn?
Vấn đề cơ bản mà nhiều bảo tàng đang gặp phải là việc trưng bày hiện vật theo lối mòn, thiếu hấp dẫn. Số lượng hiện vật không phải thiếu nhưng tổ chức trưng bày yếu kém lại dẫn đến cảm giác thiếu hiện vật, hiện vật không phong phú, không phát huy được giá trị. Nhiều bảo tàng tổ chức trưng bày, giới thiệu hiện vật na ná nhau, cho nên có cảm giác bảo tàng nào cũng giống bảo tàng nào.
Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Các phương pháp tổ chức trưng bày” diễn ra vào tháng 10 năm 2020, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bảo tàng vắng vẻ. Hội thảo này đã đề cập đến vấn đề, không phải bảo tàng nào cũng sẵn sàng thay đổi. Nhiều bảo tàng mô hình trưng bày thường thấy vẫn là các phòng trưng bày hiện vật sắp xếp theo thời gian. Tùy theo khả năng thu thập mà từng bảo tàng có số lượng hiện vật nhiều hay ít. Có nơi quá dư thừa mà thiếu trọng tâm, có chỗ lại khá nghèo nàn, bày trí thiếu khoa học.
Bên cạnh đó, ở một số bảo tàng, thông tin giới thiệu lại sơ sài, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn… Như vậy có thể thấy con người chính là yếu tố then chốt quyết định đến việc bảo tàng có thể thu hút du khách hay không.
Một bảo tàng lớn hay nhỏ mà không có khách tham quan sẽ cho thấy sự lãng phí. Điển hình tại Bảo tàng Hà Nội chậm trưng bày trong 10 năm. Trong suốt một thời gian dài, báo chí cũng phản ánh về tình trạng bảo tàng nghìn tỉ này luôn trong tình trạng vắng khách. Điều đáng nói, đây là dự án được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng đến nay, sau 10 năm số người tham quan bảo tàng vẫn èo uột. So sánh sự đồ sộ của công trình với lượng khách tìm đến tham quan hàng năm, dư luận cho rằng đây là đỉnh điểm của sự lãng phí!