Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn vốn

T.Hằng 08/05/2021 07:37

Ngày 7/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Rất cần cái bắt tay giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Rất cần cái bắt tay giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Thông tin tại Hội thảo cho biết, do cơ cấu vốn của doanh nghiệp (DN) còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của DN.

Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP)…sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán).

Song song đó, dịch Covid-19 cũng đang tạo nên làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng sang các nước đang phát triển như Việt Nam, nên các DN rất cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Rất đáng quan tâm là sự suy giảm giá trị tài sản tiếp tục làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng đối với các DN nói chung và DN vừa và nhỏ nói riêng. Bởi vậy nên khu vực kinh tế này đang và sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn truyền thông theo kênh ngân hàng.

Do vậy, theo phân tích của chuyên gia trong bối cảnh hiện nay DN phải huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu DN.

Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Thành cho rằng, phát hành trái phiếu DN chính là hình thức huy động vốn rất phổ biến trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam hình thức huy động này còn rất hạn chế. Thị trường trái phiếu DN có nhiều tiềm năng do nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã hình thành các DN tư nhân lớn, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động cao, phạm vi kinh doanh mở rộng ở thị trường quốc tế.

Mặt khác các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vì tiềm năng tăng trưởng vẫn khá cao, trong khi lãi suất cũng hấp dẫn hơn so với các quốc gia phát triển. Đối với những DN có quy mô nhỏ, khó có thể phát hành trái phiếu, có thể cân nhắc tìm đến những quỹ đầu tư hoặc các công ty đầu tư mạo hiểm vì đây là những trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào các DN nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới nếu các dự án của doanh nghiệp có tính khả thi cao.

Tiến sĩ Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC Việt Nam cho biết, trên thế giới, chuẩn bị thời kỳ hậu Covid-19, các DN có xu hướng tiếp cận các kênh huy động vốn phi ngân hàng như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và kể cả các kênh phi truyền thống khác như gọi vốn cộng đồng, gọi vốn thông qua tiền mã hóa…

T.Hằng