Đổi rác lấy giấy xuất bến để cứu môi trường biển
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, một trong những điểm nóng về môi trường ở TP Đà Nẵng hơn 1 tháng qua đang được “giải cứu”. Đặc biệt lần này, việc “giải cứu” không phải bắt đầu từ những chế tài nghiêm khắc mà từ chính ý thức của người dân.
Những chuyến tàu mang rác cập bến
Rác thải, túi nilon, chai nhựa, hộp xốp…là những thứ dễ nhìn thấy trên bờ biển và cũng là thứ gây gai mắt cho những người đang làm công tác bảo vệ môi trường ở cảng cá Thọ Quang. Có những chỗ rác dày cả nửa mét. Những con đường nhỏ ngập tràn nước và rác thải. Thế nhưng, từ hơn 1 tháng qua, tại nơi neo đậu tàu thuyền lớn nhất miền Trung, người ta thấy một hình ảnh rất đẹp, đó là đổi rác lấy giấy xuất bến.
Theo Ban Quản lý Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, mặc dù trước đó đơn vị thường xuyên tuyên truyền bằng mọi hình thức và cho ký cam kết đối với các chủ tàu thuyền. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc xử lý hành vi này khó thực hiện. Vì vậy, Ban Quản lý phối hợp với một số đơn vị triển khai biện pháp bắt buộc ngư dân thu gom, bỏ rác trên tàu vào bao hoặc thùng đựng rồi bàn giao rác cho Ban Quản lý để nhận phiếu thu gom rác thải. Đây chính là một trong những loại giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục xuất bến ra khơi.
Hơn 2 nghìn phiếu thu gom rác được phát ra tương ứng việc hơn 2 nghìn chuyến tàu ra khơi cam kết không thải rác ra biển. Giờ đây, trong những ngày đánh bắt trên biển, ngư dân hình thành thói quen để tất cả rác thải vào thùng hoặc bao tải và ngay khi cập bến đem nộp cho lực lượng thu gom. Người nọ nhìn người kia để cùng nâng cao ý thức, coi việc thải rác xuống biển như một hành vi phản cảm. Nhiều ngư dân giờ còn tích cực thu gom rác thải trên biển bỏ vào bao rồi giao lại cho Ban Quản lý âu thuyền.
Cùng với việc dọn dẹp rác khu vực vỉa hè, trên mặt nước, lắp đặt camera giám sát, làm nhà vệ sinh lưu động; tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân, ngư dân và các chủ tàu đánh cá... của các công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung thì việc “đổi” rác lấy “giấy xuất bến” cũng đang giúp cho môi trường biển ở đây sạch lên từng ngày, từng giờ.
Môi trường biển đang chịu áp lực nặng nề
Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa thời gian qua ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, sinh vật và sức khỏe người dân. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).
Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác). Đặc biệt, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài kèm theo đó là hàng trăm ngàn tấn rác thải trút xuống biển, gây áp lực nặng nề cho môi trường.
Đi dọc suối Đá Bàn - một trong những danh thắng đẹp nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc, nhiều người không khỏi bức xúc khi rác thải chèn đầy các hốc đá. Còn khu vực bãi biển Dinh Cậu - nơi được xem như biểu tượng của Phú Quốc, mỗi ngày lực lượng vớt rác thu gom đến vài khối rác thải rắn… Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Kiên Giang (Sở TNMT Kiên Giang), mỗi ngày Phú Quốc thải ra khoảng 300 tấn rác, nhưng chỉ có khoảng 50% được thu hồi, 50% thì đi đâu không biết.
Đấy chỉ là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, nếu thống kê tất cả các bãi biển du lịch, thì con số không biết còn ám ảnh đến mức nào. Rác thải nhựa và túi nilon thải ra môi trường đang tăng theo cấp số nhân, tàn phá môi trường sống của con người và cả thế giới động vật, đặc biệt là sinh vật biển.
Mỗi sản phẩm từ nhựa cần từ 100 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong từng ấy năm chờ phân hủy, con người sẽ phải sống cùng rác thải nhựa và đưa các chất độc hại từ nhựa thông qua chuỗi thức ăn…Và sự “sống chung” này sẽ tàn phá ghê gớm tới sức khỏe của con người.
Chờ những chiến dịch tiếp theo
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương. Đặc biệt, Bộ giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện việc tổng hợp, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa ở khu vực ven biển. Các hải đảo và từ các hoạt động trên biển để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; chủ trì thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải nhựa đại dương, nhất là vi nhựa đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người...
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường biển cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là chính quyền các địa phương có biển cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng cư dân ven biển… Và hy vọng từ cảng cá Thọ Quang, những chiến dịch làm sạch môi trường biển như thế này sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, để rác thải biển không còn trở thành nỗi ám ảnh - những vết đen của biển.