Dịch Covid-19 bùng phát: Học thế nào? Thi ra sao?
Tại thời điểm này, không chỉ ngành giáo dục mà cả học sinh lẫn phụ huynh đều “khó xử” khi dịch Covid-19 bùng phát với nhiều ca lây nhiễm cộng đồng, nhiều tỉnh, thành có ca mắc mới, nhiều nơi đã dừng việc học sinh đến trường học tập trung và chuyển sang học trực tuyến (online). Dạy và học trực tuyến là giải pháp tình thế nên chất lượng là điều rất đáng quan tâm. Nhất là với học sinh các lớp cuối cấp, trong đó có học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).
Phương án nào thì cũng phải tùy thuộc… vào dịch
Từ ngày 10/5, phòng chống dịch Covid-19, học sinh (HS) trên địa bàn TPHCM không học tập trung tại trường. Một vị lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tân Bình cho biết, HS trong quận đã hoàn tất kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020-2021 từ ngày 29/4. Tuần lễ từ 3 đến 8/5, các em được học trực tiếp với giáo viên để hoàn thành chương trình lớp 9.
Như vậy, công tác ôn thi cho học sinh lớp 9 sẽ bắt đầu từ 10/5, cũng là lúc chuyển sang học trực tuyến.
Một giáo viên (GV) ở quận Bình Thạnh cho biết, năm học trước họ đã rất bất ngờ khi học sinh chỉ học trực tiếp trong 6 tuần là kết thúc học kỳ 2. Năm học này cả GV và HS phải chạy đua với thời gian để có thể hoàn tất đợt kiểm tra học kỳ, có lớp học sinh phải làm bài kiểm tra 3 môn/buổi. Xong kiểm tra rồi lại tiếp tục ôn thi. Như vậy rất khó đạt hiệu quả.
Với việc thi tốt nghiệp THPT, không chỉ GV mà cả phụ huynh HS đều mong muốn có một kỳ thi nhẹ nhàng và vừa sức. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên hạn chế phần kiến thức thuộc khối 10 và khối 11, chỉ nên tập trung vào phần kiến thức khối 12.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, các trường THCS, THPT nên đa dạng hóa hình thức ôn tập cho học sinh như ôn trực tiếp, ôn từ xa bằng cách giao bài tập, giải đáp thắc mắc... Về phía Sở, đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ giữ sự ổn định về cấu trúc, định dạng đề. Tuy nhiên, khi biên soạn đề, sẽ cân nhắc về số lượng câu hỏi thuộc dạng vận dụng cao, độ khó của những câu hỏi này cho phù hợp với tình hình dạy - học của năm nay.
Tất nhiên mối lo ấy không chỉ có ở TPHCM, mà cũng là mối lo của các địa phương trong cả nước, nhất là những địa phương có dịch. Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái) cho biết, sở đã phải xây dựng 6 tình huống tương ứng với các mốc thời gian khác nhau để dự phòng học sinh có thể nghỉ học dài. Trong đó có tình huống học sinh một số nơi phải tạm dừng đến trường hết tháng 5. Nếu vậy, lịch kết thúc năm học và các nội dung quan trọng như thi cử, tuyển sinh sẽ phải có sự thay đổi. Còn theo ông Trịnh Văn Mừng - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Ở thời điểm này, sở đã hướng dẫn các trường hoàn thành chương trình trước 25/5 và vẫn kết thúc năm học trước 31/5. Đối với học sinh cuối cấp sẽ thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn này sẽ vừa học kiến thức mới để chạy hết chương trình vừa ôn tập.
Tại Quảng Ngãi, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, hiện công tác chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu, tạm thời học sinh toàn tỉnh phải nghỉ học cho đến khi nhận thông báo mới. Điều này dẫn đến việc ôn tập, chuẩn bị thi vào lớp 10 của học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng. “Giờ phải chờ vài ngày nữa xem việc truy vết cho kết quả thế nào. Nếu tình hình khả quan, dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức cho các em ôn tập, thi học kỳ và chuẩn bị phương án ôn tập cho học trò thi vào lớp 10 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6” - một vị Phó Giám đốc sở nói.
Tại Hà Nội, phần lớn các trường THPT đã hoàn thành kiểm tra học kỳ 2 tất cả các môn học. Tuy nhiên nhà trường vẫn phải tìm cách sắp xếp để HS hoàn thành chương trình dần ở các môn học vào hai tuần đầu tháng 5 để có thời gian cho học sinh ôn tập, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều GV cho rằng, do chuyển sang học trực tuyến, nhà trường cũng như HS vừa học kiến thức mới theo chương trình, vừa ôn thi, là thực hiện “nhiệm vụ kép” rất khó khăn.
Có thể kiểm tra định kỳ trực tuyến
Trước lo lắng của nhiều hiệu trưởng về việc ôn thi trực tuyến không hiệu quả, thiệt thòi cho học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết việc ôn tập cho học sinh trực tiếp hay trực tuyến thì đều phải dựa trên nguyên tắc giao việc cho học sinh. Có nghĩa là việc hệ thống kiến thức, luyện tập qua các phiếu bài tập, phiếu luyện đề đều phải để học sinh tự làm trước; giáo viên sửa, giảng giải sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết Thông tư 09/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong trường phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ tháng 5/2021 cho phép các trường trong trường hợp bất khả kháng có thể tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ (giữa, cuối học kỳ 1, học kỳ 2) bằng hình thức trực tuyến.
Như vậy nếu nghỉ do Covid-19 kéo dài, dẫn tới không kịp thời gian để thực hiện nhiều nội dung công việc kết thúc năm học, các trường có thể kiểm tra định kỳ trực tuyến.
Trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức thêm đợt thi
Theo ông ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), quan điểm của bộ là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Ông Trinh cho biết, tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để quyết định phương án tổ chức kỳ thi theo nguyên tắc sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Sẽ tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi. Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí các phương án bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các nhóm thí sinh diện này.
“Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, hiện bộ đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt” - ông Trinh nói.
Về việc đề thi tốt nghiệp THPT có điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đồng thời vẫn đảm bảo cho các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi xét tuyển không? Ông Trinh cho biết nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Ông Trinh cũng “trấn an” rằng, thực tế năm 2020 cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc thì cũng sẽ hỗ trợ tốt công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tới nay, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nỗi lo của nhà trường, phụ huynh lẫn HS chính là học thế nào, chất lượng ra sao, và thi cử thế nào. Cũng có thể tổ chức một kỳ thi “nhẹ nhàng” nhưng chất lượng học tập cũng lại “nhẹ nhàng” thì ai chịu trách nhiệm, người học có thiệt thòi không. Và, một vấn đề nữa, đó là công bằng của thi cử, khi mà đề “nhẹ nhàng” sẽ “cào bằng” điểm số giữa các thí sinh, HS chuyên cần, học lực khá giỏi cũng sẽ nhận điểm số như các bạn học đuối hơn.
“Chưa nói, việc thanh tra thi sẽ như thế nào” - một nhà giáo thâm niên hơn 30 năm trên bục giảng băn khoăn.
Cho đến ngày 5/5, hệ thống quản lý dữ liệu của Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số 554.541 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Theo lịch của Bộ GDĐT, ngày 11/5 là hạn chót để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học bằng hình thức trực tiếp, 16/5 đối với thí sinh đăng ký trực tuyến. Cho đến ngày 5/5, trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021 có 445.740 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm ngành mầm non. So với hơn 500.000 chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đang thấp hơn. Năm nay thí sinh được đăng ký xét tuyển bằng hai hình thức: trực tuyến hoặc trực tiếp bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho thấy có 236.482 thí sinh đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, chiếm 53,1%.
Được biết, năm 2020, hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.