Tỉnh táo với tiền ảo
Thu hút hàng ngàn người tham gia đầu tư với nhiều loại hình khác nhau thời gian qua nhưng thị trường giao dịch tiền ảo (tiền kỹ thuật số) ở khu vực TP HCM tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài việc nhiều đồng tiền ảo không có giá trị, các sàn giao dịch hoạt động chui thì đến thời điểm này, tiền ảo chưa được chính quyền công nhận cũng khiến cho những người bỏ tiền đầu tư có thể mất trắng bất kể lúc nào. Đặc biệt, dù là tiền ảo nhưng nếu xảy ra các sự cố thì hậu quả thật, với hàng trăm tỷ đồng bị biến mất.
Anh Nguyễn Văn Tùng, 46 tuổi ngụ tại quận Phú Nhuận (TP HCM) cho biết theo giới thiệu của vài người bạn, tháng trước anh có đầu tư 4.000 USD (khoảng hơn 85 triệu đồng) mua một loại tiền ảo thông qua lệnh giao dịch trên trang web busstrade.com.
Theo giới thiệu, trang web này là môi giới sàn giao dịch tiền ảo quốc tế với lợi nhuận khoảng 6%/tuần. Tuy nhiên ít ngày sau thì không thể truy cập trang web. Nhân viên thu tiền nói trang web đang bảo dưỡng, phải chờ ít ngày.
Ít ngày sau, nhóm này lại gọi điện nói người mua có thể chuyển đổi tiền qua các đồng tiền kỹ thuật số ở sàn khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này giảm giá trị cả chục lần so với lúc đầu tư ban đầu khiến nhiều người vô cùng búc xúc.
Nhưng không chỉ có anh Tùng, hàng trăm người dân ở TP HCM và nhiều địa phương phía Nam thời gian qua vì mong muốn lợi nhuận cao đã đầu tư tiền của vào các trang mạng giao dịch như vậy. Khi gặp bất kỳ trục trặc nào, phần thiệt luôn nằm ở phía các khách hàng. Thậm chí một số trang có dấu hiệu lừa đảo khi nhận tiền rồi thì tự dưng biến mất!
Điều đáng nói, các giao dịch này chưa được cơ quan quản lý công nhận nên kể có đơn tố cáo, việc thụ lý giải quyết cũng rất khó khăn. Mới cách đây ít ngày trước, cả chục người dân ở TP HCM đã báo cơ quan chức năng khi một sàn giao dịch mang tên Coolcat lừa đảo bằng hình thức giao dịch chứng khoán, tiền ảo với số tiền tới 200 tỷ đồng. Nhiều người gần như mất trắng khi sàn này sập, trang web không truy cập được và cũng không liên hệ được với nhân viên sàn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người vẫn bỏ hàng trăm triệu đồng cho các sàn ảo trên mạng là vì “cơn sốt” tiền ảo trên thế giới liên tục được báo chí đăng tải. Rất dễ để tìm thấy các lời mời gọi đầu tư ở các trang mạng như vậy với mức tiền lãi tính theo ngày, theo tuần khiến nhiều người bất chấp để bỏ tiền. Những đồng tiền là Bitcoin, Degocoin... liên tục tăng giá trên thế giới khiến nhiều người quen với khái niệm tiền ảo và sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư vào các loại tiền ảo khác với mong muốn chúng cũng tăng giá trị tương tự.
Ngoài ra, trên mạng xã hội nhiều ca sỹ, diễn viên, người mẫu, người nổi tiếng... cũng được các tổ chức này chi tiền để quảng cáo nên đăng những thông tin kêu gọi đầu tư về tiền ảo khiến cho nhiều người càng dễ tin. Với chiêu bài chèn các đồng tiền chưa có giá trị giao dịch vào cùng với các đồng tiền ảo có tên tuổi, những người nổi tiếng kêu gọi cộng đồng bỏ tiền mua tiền ảo với cam kết “chắc chắn tăng giá nhiều lần” khiến không ít người nghe theo.
Theo một chuyên gia tài chính, hiện nay có hai loại tiền ảo, một là chính thống và không chính thống. Những loại tiền ảo chính thống là các tiền được một số quốc gia, tổ chức trên thế giới công nhận, có thể giao dịch. Đây là các loại tiền mà ngân hàng và cơ quan quản lý tài chính trong nước đang nghiên cứu các phương án tiếp cận, lưu hành và quản lý để phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, một số loại tiền ảo khác (do liên tục sản sinh thêm) mà chưa được biết tới, chưa được nhiều người lưu hành thì mang tới nhiều rủi ro, thậm chí là lừa đảo.
Thực tế, dù đã mang lại nhiều lợi nhuận và được giao dịch ở một số nơi nhưng tiền ảo vẫn là giao dịch chưa được công nhận, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là các loại tiền ảo mới xuất hiện với nhiều hứa hẹn tăng giá trăm lần trong tương lai của các nhóm giao dịch.