Ngừng việc do Covid-19, người lao động được chi trả lương thế nào?
Thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận tạm hoãn HĐLĐ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh trong các phân xưởng, nhà máy, doanh nghiệp, các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động Hà Nội chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia xây dựng phương án, giám sát việc thực hiện chi trả chế độ cho người lao động bị ngừng việc.
Theo đó việc trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19, cần căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động năm 2019 và Văn bản số 1064/LĐTBXH - QHLĐTL của Bộ LĐTB&XH để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
Trường hợp người lao động ngừng việc do phải đi cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc do doanh nghiệp (hoặc bộ phận của doanh nghiệp) dừng hoạt động vì bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 thì nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu; nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường, dẫn đến không bố trí đủ việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo Điều 29 Bộ luật Lao động, đảm bảo các quy định: Người lao động tạm thời chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm; người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 03 ngày làm việc; người lao động được trả lương theo công việc mới, nếu tiền lương này công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Trường hợp thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc hưởng lương nếu hai bên có sự thỏa thuận (theo Điều 30 Bộ luật Lao động). Trường hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới buộc phải cắt giảm chỗ làm việc, thực hiện tổ chức lại lao động: Công đoàn cơ sở tham gia xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động (theo Điều 36 hoặc Điều 42 Bộ luật Lao động).
Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp cho người lao động (theo Điều 46 hoặc Điều 47 Bộ luật Lao động), Công đoàn cơ sở hướng dẫn người lao động hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (nếu có).