Nhà văn Trần Hoài Dương: Mãi mãi một Miền xanh thẳm
Bắt đầu sự nghiệp bằng nghề làm báo với công việc tại Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản) nhưng tất cả những gì tinh túy nhất mà nhà văn Trần Hoài Dương để lại cho hậu thế là những trang viết đẹp đẽ dành cho thiếu nhi. Trong đó truyện dài “Miền xanh thẳm” của ông được nhiều thế hệ độc giả đón nhận, ảnh hưởng tới nhiều lớp nhà văn trẻ sau này. Đây cũng là tác có nhiều giá trị nghệ thuật, gửi gắm những quan niệm về văn chương và cuộc đời của ông.
Trong trẻo trong mắt bạn bè
Mấy ngày gần đây, nhiều bạn bè, độc giả văn chương đều dành thời gian tưởng nhớ đến Trần Hoài Dương khi đúng 10 năm trước, ông đã mãi mãi ra đi. Mặc dù lúc sinh thời rất nổi tiếng và có nhiều bạn bè nhưng thật buồn, khi qua đời ông lại cô độc một mình. Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh năm 1943 tại Hải Dương. Sau thời gian làm việc tại Tạp chí Cộng sản, ông chuyển về làm Trưởng ban văn xuôi của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Sau năm 1975, ông chuyển vào TPHCM sinh sống và làm việc tại Nhà xuất bản Măng non, tiền thân của Nhà xuất bản Trẻ sau này. Ông là một trong những người đầu tiên gây dựng Nhà xuất bản Măng non thời gian ấy.
Từ năm 1992, ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Ông đã ấn hành 24 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài… tại các Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, Phụ nữ, Long An, Trẻ, Văn học… Ngoài ra, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có 5 kịch bản được dựng thành phim. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được các giải thưởng cao quý. Trong đó, năm 1968 ông đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương với tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của những con chữ”. Ông cũng đạt giải nhất kịch bản phim cho thiếu nhi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (1983) với kịch bản phim hoạt hình “Bé rơm”. Năm 1993 là giải A tác phẩm Tuổi xanh với tác phẩm “Một thoáng heo may phương Nam”. Cũng tác phẩm này đạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Việt Nam tổ chức năm 1994. Rồi giải B (không có giải A) cuộc vận động sáng tác kịch bản múa rối do Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM tổ chức năm 2000 với kịch bản “Huyền thoại Cửu Long Giang”; giải B cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi năm 1999-2000 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đặc biệt, giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩm “Miền xanh thẳm” được coi là tác phẩm xuất sắc nhất, đỉnh cao sáng tác của ông và để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Truyện dài “Miền xanh thẳm” được in lần đầu tiên vào năm 2000 với những câu văn trong sáng, ngọt lành, dịu dàng của một trời tuổi thần tiên thơ mộng. Ông viết: “Tôi yêu biết bao cảnh miền trung du vào những ngày cuối thu. Trời đầy mây xám nhạt. Mây phẳng lỳ, không gian thoáng đãng trong suốt, một cảnh vật ở xa tít tắp cũng hiện lên rõ mồn một. Trời se lạnh. Những ngọn đồi thoai thoải, ngọn nọ gối lên phần cuối của ngọn kia ưng ửng màu vàng chanh của lá, của cỏ đang dần cạn nhựa, se sắt lại. Cỏ lơ phơ càng hiện rõ những lối mòn lạo xạo son đỏ quanh co ẩn hiện trên triền đồi. Lối mòn giống người bạn nhỏ nghịch ngợm vui tính rủ rê bọn trẻ chúng tôi len lỏi vào giữa những bụi sim mua, những đám bòng bong, ràng ràng rậm rì, những cây khế rừng lúc lỉu những chùm quả chát chát chua chua, những cây mâm xôi chi chít quả đỏ chót ngọt lịm, những cây chua me dại quả tròn xoe, xanh trong như ngọc, mới ăn thì chát nhưng sau vị ngọt cứ đậm dần, thấm mãi nơi cổ họng. Trời đất hào phóng bày ra cơ man nào là hoa quả mời mọc, chiêu đãi chúng tôi, những đứa trẻ lăn lóc suốt ngày trên các bờ bãi…”
Nhà văn Tô Hoài từng đánh giá: “Không hiểu sao, đọc truyện của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung ra một thoáng tháng giêng, tháng hai đẹp đơn sơ và quyến rũ. Tôi không biết đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi đã là một ông lão, tôi chỉ biết tôi đang đọc một tác phẩm không có tuổi. Mỗi tác phẩm hay thường khiến người đọc đánh mất tuổi như vậy.
Rất nhiều tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương đã được trích đoạn, đưa vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm: Mưa cuối mùa, Bộ lông của chim thiên đường, Cây xấu hổ… Theo PGS.TS Bùi Thanh Truyền thì trong các tác giả thường được trích dẫn vào sách giáo khoa thì Trần Hoài Dương chỉ đứng sau nhà văn Tô Hoài. Nguyên nhân bởi văn chương của Trần Hoài Dương trong trẻo, ngọt lành và giàu tính nghệ thuật trong miêu tả. Vì vậy, những người làm sách thường trích dẫn văn chương của ông để làm mẫu cho những học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường.
Dấu lặng cuộc đời
Mặc dù có một sự nghiệp sáng tác và hoạt động văn chương rất thành công nhưng cuộc đời nhà văn Trần Hoài Dương cũng không ít khoảng lặng. Khi mới vào TP HCM sinh sống, tôi có may mắn gặp ông một vài lần, ở bữa tiệc cuối năm tạp chí hay lần giao lưu gặp gỡ bên hội nhà văn thành phố. Ông nhìn khá hiền, nói chuyện nhỏ nhẹ và hay cúi đầu. Lúc về già, ông ly hôn và sống lặng lẽ một mình trong căn nhà nhỏ ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Nhà ông rất nhiều sách, gần như ở khắp nơi bởi ông đọc sách suốt ngày. Người con trai duy nhất của ông, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh thời gian đó sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Do khoảng cách địa lý, anh chỉ có thể hỏi thăm, liên lạc với ông qua điện thoại. Một ngày đầu tháng 5/2011, sau khi gọi điện nhiều lần không được, nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh linh tính chuyện chẳng lành và nhờ người quen tìm tới nhà. Khi phá cửa nhà, mọi người bàng hoàng phát hiện nhà văn Trần Hoài Dương đã mãi mãi ra đi. Sau này, các bác sĩ giám định pháp y cho biết ông đột tử vì bệnh nhồi máu cơ tim trước đó gần hai ngày.
Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, người con trai duy nhất của ông cho biết do nhiều lý do mà anh không có thời gian ở gần, chăm sóc bố những năm tháng ông lớn tuổi. Có khi cả năm trời anh mới có thể về thăm hoặc đưa gia đình về thăm ông. Nhưng thời gian cũng chỉ những ngày tết nên rất ngắn ngủi. Trong cuộc sống cá nhân đời thường, gần như một mình nhà văn phải tự lo liệu hết. Đó cũng là hối tiếc của anh nhiều năm sau này.
Do có nhiều thời gian sinh sống và làm việc ở TP HCM nên dù đã ra đi nhưng những kỷ niệm mà nhà văn Trần Hoài Dương để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, bạn viết và độc giả là rất sâu lặng. Nhiều người cho biết, với Trần Hoài Dương, văn chương cũng như cuộc đời ông vậy, lặng lẽ, trong trẻo, ngọt lành và đầy chất trữ tình.