Xóm trọ bệnh nhân nhi vắng tiếng cười
Đến khu xóm trọ của những bệnh nhân nhi ngoại trú (tại Hà Nội) sáng 14/5, chúng tôi khá bất ngờ bởi sự vắng vẻ. “Trong này vẫn nhiều bệnh nhân trọ lắm, các cô chú cứ đi vào tiếp”, một bác lớn tuổi lên tiếng khi thấy chúng tôi ngập ngừng phía ngoài.
Chúng tôi gặp hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Sen (Bắc Giang) đi mua thức ăn. Chị Sen cho biết, từ ngày có dịch Covid-19, hàng ngày, mọi người đưa con vào viện điều trị rồi quay lại phòng, cũng ít ra sân chơi như mọi khi.
Con chị Sen bị bệnh lý liên quan đến hậu môn, phải điều trị ngoại trú khoảng vài tháng sau phẫu thuật. Tính đến nay, chị Sen cũng “gắn bó” với xóm trọ này gần 2 tháng. Thời điểm trước khi có dịch, buổi sáng mát mẻ và buổi tối, nhiều người hay cho các bé xuống sân chơi với nhau, các cháu cười đùa rộn rã dường như cũng xua tan bớt cái mệt mỏi, đau đớn của bệnh tật. Nhưng đợt này, ai cũng chỉ ở trong phòng, xóm vắng lặng hẳn.
Hai vợ chồng chị Sen vì gia đình không có điều kiện kinh tế nên lựa chọn mức giá phòng 120.000đ/ngày, không có điều hoà, diện tích nhỏ nên khá nóng bức khi nhiệt độ tăng. “Tiền phòng, tiền điều trị, tiền ăn của hai vợ chồng, tiền bỉm sữa cho cháu cũng ngót nghét 500.000đ/ngày. Vì chi phí quá nhiều thứ nên chúng tôi không có sự lựa chọn tốt hơn. So với nhiều hoàn cảnh trong xóm trọ, bệnh của con tôi còn nhẹ hơn rất nhiều”, chị Sen nói.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Lò Thị Minh (Điện Biên) rơm rớm nước mắt cho biết, con chị bị u tiểu não, cháu đã điều trị ở Bệnh viện Nhi trung ương được gần 1 năm và cũng chừng ấy thời gian chị cùng cháu có mặt tại xóm trọ này. Đầu cậu bé (con chị Minh) trọc lốc và có vài vết sẹo để lại sau phẫu thuật. Cậu bé nhỏ hơn so với các bạn bè cùng lứa bởi cậu đã phải trải qua hơn 10 đợt điều trị hoá chất.
Vừa bế con trên tay, chị Minh vừa chia sẻ, xóm trọ này mỗi người một hoàn cảnh, hầu hết ai cũng khó khăn và phần nhiều những hoàn cảnh điều trị lâu như bé nhà chị đều chỉ có hai mẹ con. Bố các em bé còn phải đi làm, lo công việc nhà ở quê.
Vậy là những hôm con đau, con mệt, con khóc, chị hay các bà mẹ cứ thế tự “vật lộn”. Dịch Covid-19 đến, chị Minh cũng tự đi mua cho mình và con hộp khẩu trang để phòng dịch rồi lại “vật lộn” với cuộc sống hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Vân (Yên Bái) có thời gian điều trị cho con cũng bằng chính thời gian bé lớn lên: Cháu được hơn 7 tháng là 7 tháng trời chị và gia đình đi lại ở bệnh viện. Cách đây khoảng 2 tháng, chị và cháu thuê trọ cố định tại đây để thực hiện điều trị ngoại trú lâu dài. Lúc ấy cũng là thời điểm chị Vân biết thêm tin, con mình bị bại não.
Mắt đỏ hoe, chị Vân nói, khi biết tin con bại não, mọi thứ đối với chị như gần như sụp đổ. “Gia đình chị có 5 người, giờ chia 4 nơi, tôi và cháu bé nhất ở đây. Chồng tôi đi làm phụ hồ theo công trình. Cháu lớn học lớp 11 ở nhà bác tự chăm sóc cho bản thân và cháu nhỏ hơn 6 tuổi ở nhà dì. Vậy là 5 người chia 4 nơi”, chị Vân nghẹn ngào. Chị Vân và cháu nhỏ nhất ở đây, đi đâu hai mẹ con cũng bế nhau đi.
Nói đến đây, chị Vân lại khóc: “Thương nhất là cháu thứ hai 6 tuổi, cháu nhớ mẹ lắm, cứ nghe đến giọng mẹ là khóc làm tôi không dám gọi điện về. Năm nay, cháu vào lớp 1 mà cháu còn chưa biết được bảng chữ cái, bố mẹ đi suốt không có ai chăm sóc, dạy dỗ”.
…Những nỗi buồn như thế cứ được những người phụ nữ trong xóm trọ này “giữ” trong lòng, chẳng biết chia sẻ cùng ai. Với họ, có lẽ điều mong muốn lớn nhất là được về nhà và đoàn tụ với gia đình. Điều ước nhỏ nhoi, giản đơn mà không dễ thực hiện.