Nghịch lý lệ phí hạ tầng cảng biển
Sau 4 năm thực hiện thu lệ phí cảng biển, lượng hàng hóa thông qua cảng của Hải Phòng tăng gần 65%, nhưng khoản thu phí gắn liền với hàng hóa qua cảng không tăng và có dấu hiệu giảm thu so với năm đầu thực hiện.
Tiên phong thu phí cảng biển
Năm 2017, Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực thi hành, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công (thu phí) khu vực cảng biển Hải Phòng.
Theo Quyết định thu phí hạ tầng cảng biển (phí cảng biển) của Hải phòng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh mở tờ khai hải quan tại các tỉnh, thành phố khác nhưng làm thủ tục mở tờ khai tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, niêm phong hàng hóa tại các Chi cục Hải quan của Cục Hải quan Hải Phòng, có sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng là đối tượng nộp lệ phí cảng biển.
Theo đó, mức phí được áp dụng theo từng loại vận chuyển như thu theo loại container chứa hàng, loại hàng rời, hàng lỏng. Ngay sau khi Hải Phòng thông qua quyết định này, một số hiệp hội, ngành nghề đã có văn bản, kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ để kiến nghị về tính pháp lý của việc thu phí, kiến nghị về mức phí được áp dụng.
Thậm chí, có địa phương lân cận Hải Phòng cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại mức phí Hải Phòng áp dụng vì cho rằng việc thu phí cảng biển sẽ gây cho doanh nghiệp có hoạt động XNK qua Cảng Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, tăng chi phí trong sản xuất kinh doanh.
Chỉ đến khi Văn phòng Chính phủ, các Bộ Tư pháp, Giao thông vận tải, Công thương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có văn bản khẳng định Hải Phòng thực hiện việc thu phí cảng biển là đúng Luật Phí và Lệ phí thì việc thu phí cảng biển của Hải Phòng mới “xuôi chèo, mát mái”.
Hàng qua cảng tăng nhưng phí lại giảm
Theo số liệu của Cục Thống kê Hải Phòng, năm 2017, lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn Hải Phòng đạt 92,5 triệu tấn. Tương ứng với lượng hàng hóa này, Hải Phòng dự kiến thu khoảng 1.800 tỷ đồng. Thực tế, năm 2017, theo quyết định công bố dự toán ngân sách Nhà nước được Hải Phòng phê duyệt, số thu phí cảng biển chỉ đạt hơn 1.530 tỷ đồng.
Năm 2018, Hải Phòng dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng tăng từ 15 – 16%. Từ dự báo này và từ kết quả thu phí năm trước, Hải Phòng xây dựng dự toán thu ngân sách từ khoản thu phí cảng biển năm 2018 sẽ đạt 1.800 tỷ đồng. Năm 2018, lượng hàng hóa thông qua cảng được Cục thống kê Hải Phòng ghi nhận đạt 109 triệu tấn, tăng tới 18,44% so với dự báo nhưng ngược lại, khoản thu phí cảng biển chỉ đạt hơn 1.538 tỷ đồng, đạt 85,5 % dự toán ngân sách giao.
Tương tự, năm 2019, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng cũng dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng tăng từ 15 – 16%. Trên cơ sở dự báo này, thành phố Hải Phòng giao dự toán thu phí cảng biển ở mức 1.800 tỷ đồng. Kết quả, năm 2019 lượng hàng hòa qua cảng đạt 129,202 triệu tấn, tăng 18,51% so với năm 2018 nhưng thu phí cảng biển của Hải Phòng chỉ đạt hơn 1.278 tỷ đồng.
Năm 2020, lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn Hải Phòng đạt 142,870 triệu tấn. Thế nhưng tổng thu phí cảng biển gắn liền với các loại hàng hóa qua các cảng của Hải Phòng đạt được 1.550 tỷ đồng.
Từ kết quả sau 4 năm thực hiện thu phí cảng biển tại Hải Phòng cho thấy, mặc dù lượng hàng hóa thông qua cảng đã tăng từ 92,5 triệu tấn (năm 2017) lên 142,8 triệu tấn (năm 2020), tăng tới 64,78% nhưng việc thu phí cảng biển gắn liền với hàng hóa thông qua cảng lại không tỷ lệ thuận với mức tăng này. Mức thu phí năm 2020 được 1.550 tỷ đồng, hơn mức thu của năm 2017 hơn 20 tỷ đồng dù lượng hàng hóa tăng tới gần 65%.
Trong năm 2021, Hải Phòng dự kiến đón khoảng 159 triệu tấn hàng hoá qua cảng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc giao kế hoạch thu phí cảng biển chỉ còn 1.350 tỷ đồng, thấp hơn 180 tỷ đồng so với năm đầu thực hiện thu phí khi lượng hàng hóa thông qua cảng thời điểm này đã tăng gấp 1,71 lần.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Ngô Hồng Chiến, Phó trưởng phòng Nguồn thu, Sở Tài chính Hải Phòng cho biết, số thu phí cảng biển những năm gần đây không tăng bởi cơ cấu nguồn thu, là loại hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng có sự thay đổi. Những năm trước, lượng hàng hóa qua cảng có nhiều hàng tạm nhập, tái xuất, loại hàng có mức thu phí cao nên phí thu được cao.
Đến nay, loại hàng hóa này giảm, chỉ còn hàng hóa xuất - nhập khẩu thông thường nên tổng số phí thu được bị giảm. Ngoài ra, 4 tháng cuối năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Hải Phòng thực hiện giảm phí cảng biển nên số thu được thấp. Thành phố cũng chưa phân loại, đánh giá cơ cấu hàng hóa qua cảng để tổng kết hay rút kinh nghiệm việc thu phí cảng biển, ông Chiến cho biết thêm.
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn hàng hoá qua cảng của Hải Phòng nhưng nguồn thu phí cảng biển có dấu hiệu “chùng xuống” không tương thích với đà tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng khiến nhiều người nghi ngại có hay không việc thất thoát hoặc mất công bằng giữa các đơn vị làm công tác xuất - nhập khẩu trên địa bàn Hải Phòng.
Để giải quyết vấn đề này, Hải Phòng cần có đánh giá, phân tích chi tiết về cơ cấu nguồn thu để làm rõ những bất cập nhằm đảm bảo việc thu phí cảng biển được thực hiện đúng, thủ theo quy định của pháp luật.