Trong dịch bệnh, hàng hóa vẫn dồi dào
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, trong làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 này, xã hội không quá hoang mang, tâm lý người dân khá bình tĩnh trong mua sắm hàng hóa, không có cảnh người tiêu dùng đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa như trước đây.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Quyền giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra.
Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng/ 2021 khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Sở Công thương Hà Nội xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ.
Tại tỉnh Bắc Ninh, nguồn cung hàng hóa cũng đã được chuẩn bị khá dồi dào, chuyện khan hàng sốt giá hoàn toàn không đáng lo. Theo ông Trần Ngọc Thực, Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh, ngay từ cuối năm 2020, Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.
“Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn, tỉnh cũng yêu cầu ký cam kết, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá thiếu hang”, ông Thực cho biết.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Công thương cho hay, song song với việc kiểm soát, phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng được địa phương này chú trọng thực hiện, không để xảy ra hiện tượng găm hàng, đẩy giá, không có hiện tượng mua lương thực tích trữ của người dân.
Tại TP HCM, thị trường ổn định, nguồn cung dồi dào, giá cả không biến động, tâm lý mua sắm của người dân ổn định. Theo lãnh đạo Sở Công thương TP HCM, Sở đã hướng dẫn các đơn vị đang kinh doanh, hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, nhằm đảm bảo sự an toàn cho các tiểu thương cũng như người tiêu dùng trên địa bàn.
Ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 07/ CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.