Bí ẩn xung quanh sự 'mất hút' của bức tranh đắt nhất thế giới
Từ bức tranh có giá chỉ vài chục USD, trở thành bức tranh đắt nhất thế giới có giá hơn 450 triệu USD, "Salvator Mundi" từ phận... tranh chép giờ được nhìn nhận lại là tác phẩm của Da Vinci.
"Người giải cứu thế giới" đang ở đâu?
"Salvator Mundi" (Người giải cứu thế giới) được tin là tác phẩm do danh họa Leonardo da Vinci thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 1499 tới 1510.
Tác phẩm từ lâu vốn bị cho là tranh chép từ tác phẩm nguyên gốc bị thất lạc của vị danh họa, nhưng rồi sau khi tranh được phục chế, được đánh giá lại, rồi được xuất hiện trong triển lãm những tác phẩm của danh họa Da Vinci tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia London (Anh) hồi năm 2011-2012, thân phận của tranh hoàn toàn đổi khác một cách ngoạn mục.
Sau khi tác phẩm được nhà đấu giá Christie rao bán với danh nghĩa là tác phẩm do Da Vinci thực hiện, đi kèm là nhiều ý kiến xác nhận của các chuyên gia hội họa về điều này, tác phẩm đã được bán ra với mức giá lên tới 450,3 triệu USD vào ngày 15/11/2017 tại New York, Mỹ. Người mua khi ấy là Hoàng tử Badr bin Abdullah của Ả Rập Saudi.
Mức giá này đã xác lập kỷ lục giúp "Salvator Mundi" trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán ra tại một cuộc đấu giá công khai.
Sau thương vụ mua tranh gây sửng sốt này, có nhiều tin tức được đưa ra cho biết kế hoạch trưng bày tác phẩm tại bảo tàng Louvre ở Abu Dhabi, nhưng cho tới tận hôm nay, sau gần 4 năm, bức tranh vẫn nằm trong vòng bí ẩn, không xuất hiện công khai tại bất cứ triển lãm nào, khiến giới sưu tầm quan tâm tò mò từ bấy đến nay.
"Salvator Mundi" là tác phẩm hội họa chứng kiến sự thăng trầm ngoạn mục nhất trong lịch sử. Đã từng có thời tác phẩm bị cho là một bản tranh chép và được bán với giá chỉ 57 USD hồi thập niên 1950, để rồi sau hơn nửa thế kỷ, lại trở thành tác phẩm hội họa được trả giá cao nhất thế giới. Tiếp ngay sau đó là một sự biến mất bí ẩn khiến cả giới hội họa "ngơ ngác" với rất nhiều đồn đoán.
Hiện tại có hai giả thuyết xung quanh nơi cất giữ tác phẩm này. Giả thuyết thứ nhất do New York Times được nguồn tin cung cấp, cho rằng bức họa hơn 500 năm tuổi đang được cất giữ tại một nơi bí mật ở Geneva, Thụy Sĩ, cùng với nhiều tác phẩm hội họa đắt giá khác, đây là nơi cất giữ an toàn, tựa một "ngân hàng nghệ thuật" để các nhà sưu tầm gửi tác phẩm đến đó nhờ trông nom, bảo vệ.
Giả thuyết thứ hai do nhà buôn nghệ thuật Kenny Schachter chia sẻ với tờ tin tức nghệ thuật Artnet, ông này cho rằng tác phẩm đang được cất giữ trên siêu du thuyền của Thái tử Mohammad Bin Salman của Ả Rập Saudi.
Từ tranh chép của học trò tới tranh thật của Da Vinci
Sự quan tâm của giới hội họa đối với những giả thuyết xung quanh bức tranh cho thấy mức độ hiếu kỳ của những người hoạt động trong lĩnh vực này đối với tác phẩm hội họa đắt giá nhất thế giới. Có quá nhiều suy đoán xuất hiện về lý do tại sao bức tranh lại được cất kỹ đến thế.
Trong suốt hàng thế kỷ, bức "Salvator Mundi" này đã bị xem là tranh chép, được cho là do học trò của Da Vinci thực hiện, nhưng vào năm 2005, hai nhà buôn nghệ thuật Robert Simon và Alexander Parrish đã mua tác phẩm này với giá dưới 10.000 USD với hy vọng mong manh rằng biết đâu đây lại là tranh thật do Da Vinci thực hiện.
Họ mời bà Dianne Modestini, một chuyên gia trong lĩnh vực phục chế tới giúp tác phẩm thoát ra khỏi tình trạng bị tàn phá nặng nề bởi thời gian. Tác phẩm vốn được vẽ trên chất liệu gỗ, qua hàng thế kỷ, lớp gỗ đã chịu nhiều hư tổn. Chính sau quá trình phục chế tỉ mỉ, công phu, tác phẩm được tuyên bố là tranh do Da Vinci thực hiện.
Năm 2011, sau 6 năm nghiên cứu tác phẩm, Bảo tàng Quốc gia London đem triển lãm bức tranh với danh nghĩa tác phẩm do Da Vinci thực hiện. Đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu tác phẩm của Da Vinci thống nhất rằng đây là tranh thật.
Nhưng cũng có những chuyên gia hội họa nghi ngờ điều này. Đương thời, với những danh họa nổi tiếng như Da Vinci, việc hợp tác giữa thầy và trò để cùng hoàn tất một tác phẩm là rất thường thấy.
Trong khi một số chuyên gia hoàn toàn phủ nhận rằng đây là tranh của Da Vinci, cũng có những chuyên gia cho rằng Da Vinci chỉ tham gia thực hiện tác phẩm ở một mức độ rất khiêm tốn, còn lại là do các học trò của ông thực hiện.
Đối với những nhà nghiên cứu tin rằng đây là tác phẩm của Da Vinci, họ dẫn chứng cách khắc họa tinh tế bàn tay giơ lên của Chúa, cách hòa trộn màu sắc theo kỹ thuật đặc trưng của Da Vinci trên gương mặt Chúa, cách sử dụng màu sắc, chất liệu rất đồng điệu với phong cách của Da Vinci.
Việc có một ngón tay cái bị vẽ đè lên cho thấy họa sĩ trong lúc thực hiện đã thay đổi ý tưởng, điều này không thể xảy ra nếu đây là tranh chép.
Những bằng chứng có tính lịch sử cũng thường được đưa ra, chẳng hạn như sự tồn tại của những bản phác họa có tính chất chuẩn bị cho việc thực hiện tác phẩm, từng được Da Vinci thực hiện.
Ông Martin Kemp, một học giả nghiên cứu phong cách hội họa của Da Vinci tin rằng đây là tranh thật: "Hội họa của Leonardo da Vinci là thứ hội họa có tính chất khoa học. Ông rất thấu hiểu các quy luật và thể hiện kiến thức uyên thâm của mình trong tác phẩm, khiến không một bức tranh chép nào có thể thực sự biểu đạt được hết sự am hiểu của Da Vinci thể hiện trong tranh gốc.
Những học trò của ông không đạt tới trình độ uyên bác, am hiểu về khoa học, quang học, giải phẫu học... như người thầy của họ. Dù có thể có những sự tham gia của các học trò, nhưng tôi không nhận thấy có bất cứ mảng tranh nào trong tác phẩm 'Salvator Mundi' thuần túy là do học trò của Da Vinci thực hiện".
Những nghi vấn khó có lời giải đáp
Nhiều học giả đưa ra những giả thuyết khác nhau. Nhà nghiên cứu Ben Lewis, tác giả của cuốn "The Last Leonardo" - một cuốn sách nói về bức "Salvator Mundi", tin rằng Da Vinci chỉ góp rất ít công sức thực hiện tác phẩm này.
Nhà nghiên cứu Matthew Landrus đến từ Đại học Oxford cho rằng Da Vinci chỉ đóng góp khoảng 5% - 20% trong tổng thể tác phẩm. Theo ông Landrus, tác giả thực sự là học trò Bernardino Luini của Da Vinci.
Chuyên gia Carmen Bambach đến từ Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, New York, Mỹ, là một trong những học giả được mời tới nghiên cứu trực tiếp bức vẽ tại Bảo tàng Quốc gia London (Anh) hồi năm 2008. Ông Bambach cho rằng học trò Giovanni Antonio Boltraffio của Da Vinci mới là tác giả thực sự của tác phẩm.
Nhà nghiên cứu Ben Lewis nhận định rằng ngay trong nhóm nhỏ các chuyên gia được mời tới nghiên cứu tác phẩm hồi năm 2008 cũng tồn tại nhiều quan điểm bất đồng.
Những tranh luận này có tác động rất lớn tới giá trị của tác phẩm. Việc tác phẩm do Da Vinci thực hiện hay do các học trò trong xưởng vẽ của ông thực hiện sẽ làm thay đổi hoàn toàn giá trị tác phẩm. Khi những tranh luận bất tận vẫn còn tiếp diễn, việc tác phẩm được cất giấu kỹ càng, không xuất hiện công khai cũng tạo nên những giả định.
Khi tranh không xuất hiện công khai tại các cuộc triển lãm, các học giả sẽ không thể tiếp cận để quan sát kỹ lưỡng và khó đưa ra thêm những phân tích cụ thể, chi tiết.
Thuở ban đầu, sự hứng thú đối với bức "Salvator Mundi" đến từ chặng hành trình đã đi qua của tác phẩm. Tác phẩm vốn được đặt hàng bởi vua Louis XII của Pháp, sau này, bức tranh từng có thời được sở hữu bởi vua Charles I của Anh. Chặng hành trình chìm nổi ấy cũng có nhiều giai đoạn hoàn toàn để ngỏ, khiến giới nghiên cứu không biết tác phẩm đã ở đâu, trong tay ai.
Chẳng hạn, trong giai đoạn từ năm 1763 tới 1900, người ta không có thông tin gì về tác phẩm. Sau đó, tác phẩm được mua lại bởi họa sĩ kiêm nhà sưu tầm Charles Robinson, lúc này, người ta tin rằng đây là tác phẩm thực hiện bởi học trò của Da Vinci - họa sĩ Bernardino Luini.
Đến năm 1958, tác phẩm được nhà đấu giá Sotheby bán ra với giá chỉ 57 USD, rồi sau đó lại biến mất trước khi xuất hiện trở lại tại một nhà đấu giá nhỏ khác ở Mỹ.
Chính lúc này, hai nhà buôn nghệ thuật Simon và Parrish mạo hiểm đặt cược vào khả năng rằng đây có thể là tranh thật của Da Vinci. Năm 2013, sau khi tác phẩm được một số nhà nghiên cứu xác định là do Da Vinci thực hiện, giá tranh tăng lên mức 80 triệu USD, hai nhà buôn đã bán lại cho nhà buôn người Thụy Sĩ Yves Bouvier, giá lúc này đã tăng hơn 8.000 lần so với giá mua trước đó.
Ngay sau đấy, doanh nhân người Nga Dmitry Rybolovlev mua lại với giá 127,5 triệu USD. Hành trình thăng trầm ly kỳ của bức tranh cùng với những ý kiến của một số chuyên gia tin tưởng rằng đây là tranh của Da Vinci, đã đẩy mức giá lên cao không tưởng. "Salvator Mundi" được tin là một trong 20 tác phẩm do Leonardo da Vinci thực hiện còn lại trên thế giới này.
Thực tế, trong giới hội họa, giá trị tác phẩm nhiều khi còn nằm ở chính hành trình mà nó đã đi qua, bên cạnh giá trị thẩm mỹ. Nhưng những tranh luận khó đi đến hồi kết xung quanh bức "Salvator Mundi" có nhiều khả năng đưa tới hiệu ứng... làm giảm giá trị.
Nhà nghiên cứu Ben Lewis nhận định: "Bây giờ, để bán lại được bức tranh ở mức 450 triệu USD là rất khó, gần như không thể, bởi tác phẩm đã trở thành chủ đề của quá nhiều cuộc tranh cãi, bàn luận mất rồi".