Đánh ghen mùa Covid
Lực lượng chức năng xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vừa đưa 9 người trong một gia đình (ở xã Phong An) đi cách ly tập trung vì xông vào khu vực phong tỏa phòng dịch để... đánh ghen. Dư luận xã hội được một phen cười nghiêng ngả vì chuyện thật như đùa, vô cùng hy hữu này. Đúng là “tình yêu” vượt qua mọi giới hạn.
Chuyện là, bà S đang ở trong khu vực phong tỏa (xã Phong Hiền) nhớ ông A (xã Phong An) nên đã gọi điện “nhờ mua thuốc cảm”. Ông A đã lẩn tránh lực lượng chức năng kiểm soát khu vực phong tỏa, trốn vào ở với bà S. Sau đó, một nhóm người (trong đó có vợ ông A) cũng theo phương thức của chồng lẩn vào nhà bà S đánh ghen.
Thấy vợ và người nhà xông vào, ông A đã kịp thời tẩu thoát về nhà tại xã Phong An. Còn bà vợ và nhóm người nhà thì bị lực lượng chức năng mời lên trụ sở làm việc, rồi “bế” đi cách ly có trả phí. Hiện, UBND xã Phong Hiền đang củng cố hồ sơ để xử lý nhóm người đánh ghen, nhẹ nhất cũng là xử phạt vi phạm hành chính.
Câu chuyện đánh ghen thì lúc nào chẳng có, thời nào chẳng vậy. Khi phụ nữ đã “nổi cơn tam bành”, “máu sư tử Hà Đông” chạy rần rần trong huyết quản, họ có sá gì trở ngại mà không tìm mọi cách để dạy dỗ tình địch? Vì thế, câu chuyện qua mặt lực lượng chức năng, đi “đường tắt” vào trong khu vực phong tỏa chỉ là “chuyện nhỏ”.
Song, trong câu chuyện “cười vỡ bụng” này có điều gì đó sai sai khiến người ta thấp thỏm không yên. Sự lo âu không phải là câu chuyện đánh ghen, gây rối trật tự công cộng của nhóm người do bà vợ ông A dẫn tới nhà bà S. Cũng không phải là câu chuyện có hay không mối tình vụng trộm, “chim chuột” của ông A với bà S. Điều lo lắng của xã hội là vì sao một khu vực phong tỏa để phòng dịch, vốn phải là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mà lại có thể dễ dàng lẩn vào đánh ghen như vậy? Có đến 9 người vào khu vực phong tỏa mà lực lượng chức năng không biết thì quả là điều vô cùng đáng lo ngại. Nếu không phải là đánh ghen, mà là chuyển hàng cấm thì sao?
Thôi thì tạm chưa bàn đến việc nếu người ta ra vào khu phong tỏa để vận chuyển, cất giấu hàng cấm sẽ sinh ra hậu quả gì. Chỉ riêng việc có tới 9 người dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng vào khu vực phong tỏa để đánh ghen, thì có lý gì những người trong khu vực đó không ra ngoài tung tăng đi chơi được? Vậy phong tỏa có giá trị gì?
Lẽ dĩ nhiên là nếu người trong khu vực phong tỏa có thể dễ dàng “chui” ra ngoài như những người ở ngoài vào đánh ghen, thì nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 ngoài cộng đồng là không phải bàn cãi. Phong tỏa là để ngăn ngừa người mang mầm bệnh Covid-19 gieo rắc SARS-CoV-2 ra cộng đồng, vậy tại sao vẫn có thể “đi lại tự do”?
Trong câu chuyện này, các cơ quan chức năng cần phải xem xét trách nhiệm của những người thực thi công vụ khu vực phong tỏa xã Phong Hiền. Chẳng phải Thủ tướng Chính phủ từng nói: Đừng để một người lơ là khiến cả xã hội phải vất vả đó sao? Cụm từ “vất vả” ở đây bao hàm là tiền, thời gian, tâm trí và sức lực của toàn xã hội.
Nếu không xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan, ai dám chắc sẽ không có một hay “n” vụ đánh ghen tương tự ở địa phương bị phong tỏa khác? Khi đó, mọi nỗ lực cố gắng phòng chống đại dịch Covid-19 của toàn xã hội sẽ là công cốc. Nguy lắm thay!