Nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021: Dấu ấn của bình đẳng, tiến bộ
Tỷ lệ phụ nữ ngang bằng trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở tất cả các cấp đã đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Dấu ấn của nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 trong hoạt động nghị trường rất rõ nét. Đặc biệt, nhiều nữ đại biểu đã thực sự "ghi điểm" trong lòng cử tri cả nước với những phát biểu mạnh mẽ, trách nhiệm và chất lượng.
Đông đảo cư tri cho rằng các nữ đại biểu Quốc hội đã kiên trì, quyết liệt theo đuổi những vấn đề được người dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới..., từ đó góp phần tích cực bảo đảm sự công bằng, bao trùm trong các chính sách, pháp luật mà Quốc hội quyết định.
Nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn của nữ đại biểu
Quốc hội khóa XIV 2016-2021 là nhiệm kỳ đầu tiên đánh dấu Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ. Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Bà Đỗ Thùy Dương, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu "Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021" chia sẻ chính việc thay đổi lần đầu tiên có một nữ chủ tịch Quốc hội đã tạo nên một không khi mới tại nghị trường. Từ một nghị trường rất nhiều báo cáo sang một nghị trường tranh luận từ các góc nhìn khác nhau. Số lượng nữ đại biểu tham gia nghị trường, chủ động đặt câu hỏi trong suốt kỳ họp tăng và rất đa dạng.
Dẫn chứng về sự thành công của nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, bà Đỗ Thùy Dương cho biết tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nơi đóng vai trò lập pháp quan trọng và chỉ có hơn 20% đại biểu là nữ trong nhiệm kỳ 2016-2021 lại có nữ Chủ nhiệm Ủy ban là bà Lê Thị Nga.
“Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã có những đóng góp rất tích cực trong việc hình thành, thay đổi hệ thống pháp luật, các bộ luật khác nhau, tạo ra niềm tin trong cử tri với các vụ việc mà bà theo đuổi,” bà Đỗ Thùy Dương nói.
Một minh chứng nữa cho sự thành công của nữ đại biểu Quốc hội là chính đại biểu Trương Thị Mai, người đã tham gia Quốc hội 5 nhiệm kỳ, mỗi một nhiệm kỳ đảm nhiệm ở các địa phương khác nhau, các vị trí, vai trò khác nhau. Điều này cho thấy khả năng thích ứng nhanh, trong mọi môi trường nữ đại biểu đều có thể đóng góp vai trò của mình một cách xuất sắc. Ở tất cả các lĩnh vực, các nữ đại biểu Quốc hội đều tạo nên những dấu ấn quan trọng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội Khóa XIV là 26,72%, nhưng dấu ấn trong tất cả các hoạt động của Quốc hội thì rất rõ nét. Trong hoạt động lập pháp, tỷ lệ các nữ đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào các dự án luật tại phiên thảo luận chung tại hội trường đạt khoảng 27% tổng số ý kiến phát biểu.
Một số dự án luật, tỷ lệ nữ đại biểu tham gia ý kiến ở mức rất cao như: Dự án Luật Du lịch đạt 52,4%, dự án Luật Trợ giúp pháp lý đạt 41,2%, dự án Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đạt 36,8%, dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 35,7%... Các ý kiến đóng góp của nữ đại biểu đều được Quốc hội tán thành và ghi nhận.
Lên tiếng vì sự phát triển công bằng
Nghiên cứu "Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021" cho thấy nam đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri, song nữ đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam đại biểu. Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, dân tộc, lao động thương binh và xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu.
Về phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất "phát ngôn đúng mực" và "có khả năng thuyết phục" cao hơn so với nam đại biểu. Lợi ích của cử tri tại địa phương họ ứng cử là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định khi đại biểu tham gia ý kiến về một vấn đề cụ thể và việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đồng tình rằng nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, nữ đại biểu Quốc hội có sự nhạy cảm đặc biệt trong việc quan sát và thấu hiểu cuộc sống. Phụ nữ là người phải đối mặt thường xuyên với những biến chuyển phong phú, sôi động và cả những góc sâu kín của đời sống tinh thần, đời sống vật chất, từ đó hình thành nên những kiến nghị, đề xuất thiết thực, xác đáng để chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh nữ đại biểu Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề có thể tác động đa chiều đến xã hội, những quy định có thể không bảo đảm sự phát triển bền vững, quyền lợi, sự công bằng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật, trẻ em... từ đó đưa ra các khuyến nghị, kiến nghị phù hợp. Chính điều này đã giúp nữ đại biểu Quốc hội đóng góp tích cực vào việc bảo đảm sự công bằng, bao trùm trong các chính sách, pháp luật được trình Quốc hội.
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Tỷ lệ phụ nữ ngang bằng trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở tất cả các cấp, trong khu vực công cũng như khu vực tư có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầm nhìn phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 30% trong tổng số đại biểu Quốc hội nhưng nữ đại biểu đã và đang tham gia, đóng góp tích cực trong các hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia, địa phương và sự nghiệp bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thực tiễn đã cho thấy có thêm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Các chuyên gia khuyến nghị cần tạo mọi cơ hội cho nữ đại biểu Quốc hội tham gia vào tất cả các lĩnh vực thông qua việc thúc đẩy cân bằng giới trong các Ủy ban của Quốc hội.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35% vào năm 2030. Nhiều người kỳ vọng có thể đạt được hoặc tiệm cận mục tiêu này ngay trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.