Nghệ nhân Ngô Văn Đảm: Thổn thức cùng những điệu Xẩm giữa Hà Thành nhộn nhịp
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, cho dù đã gần một thế kỉ qua đi, tình yêu với Xẩm của người nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm vẫn thiêng liêng như thuở ban đầu. Với cụ Đảm, được sống, được ngày ngày kéo nhị, đàn hát đã là một niềm hạnh phúc giản dị đến lạ thường.
Bén duyên với Xẩm từ khi còn rất nhỏ…
Đặt chân đến đình quan nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) vào một buổi chiều đầy nắng, tiếng hát Xẩm vang lên đầy lắng đọng, da diết dường như tách biệt hẳn với phố thị ồn ào ngoài kia.
Tiếp đón chúng tôi là nụ cười hiền hậu của nghệ nhân Ngô Văn Đảm. Khó có thể tưởng tượng một người ở tuổi 94 lại có thể minh mẫn và sáng suốt đến thế. Đôi mắt tinh, đôi tai thính, và đôi chân khỏe khoắn vẫn có thể sẵn sàng tiếp đón bất cứ vị khách nào tới thăm.
Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng cụ Đảm vẫn có thể cần mẫn gõ từng nhịp phách và miệng thì ngân nga vài câu hát quen thuộc.
Cụ kể, cụ bén duyên với hát Xẩm từ khi còn rất nhỏ. Hồi ấy gia đình nghèo lắm, cụ phải cùng bà ngoại đi bán thuốc hậu sản ở khắp nơi, đêm đêm lại nằm ngủ trên đò dọc. Cũng nhờ thế mà cụ được nghe người ta hát Xẩm, nghe nhiều thành “say”, cụ hát nhẩm theo và bén duyên với nghề hát Xẩm từ đó chứ không hề học qua một trường lớp đào tạo nào. Năm lên 6 tuổi, cụ đã tiếp xúc với trống cơm, 8 tuổi đã biết kéo nhị, lên 9 tuổi thạo trống chầu.
Càng tự học, tự tìm hiểu và đọc nhiều loại sách, cụ yêu Xẩm từ lúc nào không hay. Cụ thường tìm đến Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu để học hỏi, và sau đó được ông “trùm” Nguyễn Văn Nguyên nổi tiếng hát Xẩm ở Hà Nội những năm 50 - 60 của thế kỷ trước truyền nghề.
Có lẽ, tình yêu với hát Xẩm đã ngấm vào máu thịt, chỉ có thế thì cụ mới có thể giảng giải tường tận cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của loại hình dân ca truyền thống này. Theo lời cụ, hát Xẩm trước kia là của người mù hát rong đi ăn xin, là cách giúp họ tự nuôi sống bản thân bằng chính sức lực của mình.
Xẩm thường được cất lên ở những góc chợ, bến tàu, bến xe,... nơi có nhiều người qua lại. Với Xẩm là thứ nhạc bình dị, dân dã nhưng cũng mang khí phách riêng có: “Hiên ngang một gậy chống trời/ Dọc ngang quét đất chiếu ngồi nửa manh” (Thơ do chính cụ Đảm sáng tác).
Trải qua thời gian, hát Xẩm trở thành một loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội.
Cụ Đảm cho biết: “Hát Xẩm là một việc làm nhân đạo, người ta mượn Xẩm hát để lên tiếng nói phản kháng trước những bất công của xã hội, những áp bức khổ đau và bênh vực những số phận nghèo khổ, bất hạnh”.
“Có lẽ vì thế mà lời ca của Xẩm cực kỳ phong phú, khi thì về tình yêu đôi lứa, khi về tình cảm gia đình, lúc lại là tiếng kêu ai oán của người phụ nữ bị chà đạp trong xã hội phong kiến xưa. Xẩm cũng có nhiều loại: Xẩm chợ, Xẩm xoan, Hát ai, Thập ân… mỗi loại Xẩm lại có một cách hát, cách ngắt nhịp khác nhau”, cụ Đảm hào hứng chia sẻ.
Qua những lời kể của cụ Đảm, chúng tôi tưởng rằng mình đang lạc giữa những bến xe, nghe thấy tiếng nhị tiếng phách vang vọng, hòa lẫn cùng tiếng còi xe trong không gian, giữa những người qua kẻ lại trên phố.
Vừa nghe chuyện, chúng tôi vừa lân la hỏi chuyện, rằng bí quyết nào khiến cụ vẫn có thể minh mẫn và khỏe khoắn, hơn nữa giọng vẫn trong và cao đến như vậy. Cụ cười bảo, bí quyết lớn nhất là ngày ngày hát Xẩm để luyện giọng, bên cạnh đó, còn phải ăn ngủ điều độ, tập thể dục thường xuyên và giữ cho tâm hồn mình luôn tươi trẻ.
Niềm tin về thế hệ trẻ hôm nay...
Khi được chúng tôi nói về thế hệ trẻ hôm nay với âm nhạc dân tộc, khuôn mặt Cụ ngời sáng, và Cụ hồ hởi kể về những đoàn học sinh từ phương xa tìm đến học hát Xẩm: “Giới trẻ hôm nay đến với cụ đông lắm, mà chúng nó hay lắm, chúng mà hát thì thiên hạ còn mê hơn người lớn ấy chứ”.
Rồi những câu chuyện về từng lớp học trò mà cụ hướng dẫn, cụ kể có người còn học lên cả thạc sĩ, tiến sĩ âm nhạc. Cụ bảo đó là động lực để vượt qua tuổi già, sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì mà mình biết cho thế hệ trẻ.
Cụ Đảm tâm sự: “Âm nhạc khiến cụ thấy yêu đời và muốn được cống hiến mỗi ngày. Có nhiều hôm trời mưa, vẫn có những đứa trẻ đến tìm học hát khiến cụ thấy vui và hạnh phúc lắm, thế nên vì sao mình phải dừng lại chứ? Cụ vẫn cứ hát đến bao giờ cụ không hát được nữa thì thôi! Cụ sẽ mang cái nhiệt huyết ấy truyền tới giới trẻ, để lớp trẻ thêm yêu loại hình âm nhạc dân tộc này”.
Thực tế hiện nay không phải bạn trẻ nào cũng hứng thú với hát Xẩm nói riêng và các loại hình âm nhạc dân tộc truyền thống khác nói chung. Với vấn đề này, cụ cũng thẳng thắn bày tỏ rằng: Đây là điều dễ hiểu vì mỗi người có một sở thích khác nhau, và đặc thù các loại hình âm nhạc dân tộc đã ra đời từ rất lâu nên làm sao chúng ta bắt con trẻ phải hiểu và yêu hết được? Cụ hy vọng với những bạn trẻ thật sự yêu loại hình này sẽ có người chỉ dạy và giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn nữa.
Chúng tôi rời đình Quan Nhân, bên tai vang vọng những tiếng đàn nhị ò í e cùng tiếng hát say mê của người nghệ nhân đã gần 100 tuổi. Giữa những nhộn nhịp của phố thị, ở một góc nhỏ Hà Thành vẫn có người nghệ nhân hàng ngày đọc và nghiên cứu sách, truyền dạy hát Xẩm đến thế hệ hôm nay.
Hy vọng những giá trị nghệ thuật dân tộc sẽ luôn được giữ gìn và phát huy, cùng sống và hòa nhịp vào sự phát triển của đất nước, là nét riêng độc đáo làm nên bản sắc dân tộc.