Đề phòng đuối nước ngày hè

Việt Hà 17/05/2021 09:00

Từ ngày 15/5, học sinh cả nước bước vào kỳ nghỉ hè sớm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Hè về, bất an của nhiều phụ huynh, nhất là những người ở vùng nông thôn là mối lo xảy ra các vụ đuối nước. Vậy làm thế nào để chủ động phòng, chống các vụ tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước?

Một tiết dạy bơi ở Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (TP Thái Nguyên).

Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho thấy, tính từ năm 2019 đến đầu tháng 5/2021, toàn tỉnh có 119 vụ trẻ em bị đuối nước. Trong đó, có 130 trẻ em tử vong do đuối nước. Đặc biệt, chỉ riêng trong 4 tháng năm 2021 xảy ra 16 vụ, 16 trẻ tử vong.

Còn tại Nam Định, ngày 12/5, một nhóm gồm 18 em học sinh lớp 7 rủ nhau đến khu vực cống trên đê biển số 8 thuộc địa phận xã Giao Long để chơi. Trong lúc vui chơi, có 5 em học sinh trong nhóm chạy lại rửa chân ở khu vực cửa cống thì bất ngờ trượt ngã, bị sóng biển cuốn trôi. 2 em trong đó may mắn được cứu sống; 3 em mất tích. Trước đó, trên địa bàn xã Giao Thiện (Giao Thủy) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai anh em ruột cháu T. (6 tuổi) và cháu Q. (4 tuổi) tử vong…

Tại Kon Tum, tình trạng đuối nước trẻ em cũng rất đáng báo động. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 6 vụ đuối nước khiến 11 trẻ em tử vong. Liên tiếp vào tháng 3 và đầu tháng 4/2021, số trẻ em tử vong tăng bằng trên 50% so với cả năm 2020.

Mỗi khi có vụ việc đuối nước xảy ra, nó không chỉ lại để lại những nỗi đau, sự day dứt, ân hận từ phía gia đình, người thân của các em mà còn là nỗi bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào khi họ không thể giám sát con em mình suốt cả ngày.

Cũng không thể trách các em. Bọn trẻ đâu ngờ, chỉ chạy ra rửa chân ở khu vực bờ cống mà cũng bị dòng nước siết cuốn đi. Càng không thể ngờ tắm biển ven bờ, nơi mép nước ngang ngực thôi mà một cơn sóng lớn khiến các em mãi mãi không thể trở về nhà…

Một cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng, nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em là do nhận thức, hiểu biết chung của cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em còn thấp cả ở nông thôn, thành thị; thiếu các biển cảnh báo.

Bên cạnh đó, trẻ cũng thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn, đặc biệt là nhóm học sinh tiểu học trong thời gian đi học và nghỉ hè; đa số trẻ em không biết bơi, rủ nhau đi tắm sông, suối, hồ, không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước.

Kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước hay kỹ năng ứng phó trước các mối nguy hiểm gây thương tích của đa phần các em hiện nay là rất thiếu và yếu. Thống kê từ cơ quan chức năng, cho thấy trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do trẻ em chưa biết bơi.

Nhưng đáng lo ngại hơn là nhiều trường hợp trẻ em biết bơi nhưng vẫn đuối nước vì thiếu kiến thức, kỹ năng sinh tồn dưới nước, cứu đuối, chưa nhận biết được khu vực tiềm ẩn nguy hiểm có thể dẫn đến thương tích và đuối nước…

Thực tế thời gian qua nhiều địa phương đã kết hợp với ngành giáo dục thực hiện tốt các giải pháp nhằm hạn chế số trẻ bị đuối nước, đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước, nhất là các địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Còn tại một số trường học, mặc dù nhà trường đã triển khai việc dạy kỹ năng bơi và phương pháp sơ cứu cho người bị đuối nước nhưng các em mới chỉ cơ bản về lý thuyết, thiếu thực hành do hệ thống bể bơi ở các địa phương còn quá ít.

Điều đó cũng phản ánh một thực tế là thiếu sân chơi cho trẻ em. Thành thị đã vậy, ở khu vực nông thôn, miền núi, các em cũng phải tự tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch - những nơi đó luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến trẻ em bị tai nạn đuối nước.

Vì vậy, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè năm học 2021, Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè năm 2021.

Trong đó yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho bản thân. Tiếp tục duy trì hiệu quả các hình thức nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không tắm, chơi, đùa gần ao, hồ, sông, suối, hố công trình…không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTBXH, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương chỉ đạo, quản lý, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn, tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè.

Thiết nghĩ, để chủ động phòng, chống các vụ tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là các vụ tai nạn đuối nước thì không chỉ gia đình, nhà trường hay một ngành nào có thể triển khai tất các hoạt động mà rất cần sự tăng cường phối hợp, cùng chung tay hành động.

Cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước, theo khuyến cáo của Sở Y tế Tuyên Quang:

- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…

- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực: Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.

- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

PV

Việt Hà