Quản lý hệ đào tạo Cao đẳng: Bao giờ mới thống nhất?
Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo CĐ từ Bộ LĐTBXH về Bộ GDĐT.
Những phân tích của Hiệp hội đưa ra cho thấy, thời gian qua do chưa có nhất quán trong quản lý, đã dẫn tới sự nhầm lẫn giữa hệ CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Hơn nữa, Hiệp hội cũng cho rằng từ đầu năm 2017, công tác quản lý nhà nước đối với hệ CĐ không còn do Bộ GDĐT đảm nhiệm nên đã tạo “điểm nghẽn” cản trở phân luồng học sinh sau THCS và phát triển nguồn nhân lực.
Hiệp hội cho rằng, trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ. Nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành CĐ nghề, trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”.
Bên cạnh đó, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. CĐ nghề đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỉ lệ thời gian học lý thuyết và thực hành khoảng 30/70 là phù hợp nhưng CĐ chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỉ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học…
Để khắc phục hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hệ CĐ, hiệp hội kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng đưa trình độ CĐ về lại bậc giáo dục ĐH; đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề với các trình độ: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề... Hiệp hội cũng kiến nghị đưa quản lý nhà nước về đào tạo CĐ về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục ĐH, tức là về lại Bộ GDĐT.
Trước kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ, Bộ LĐTBXH vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ không đồng tình với quan điểm này. Văn bản nêu rõ khi xây dựng Luật GDNN, quan điểm đưa trình độ CĐ vào GDNN được bàn bạc nhiều và đã được sự nhất trí của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ LĐTBXH cho rằng: Hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN, nhất là các trường CĐ phát triển, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 399 trường CĐ, trong đó có gần 100 trường được quy hoạch thành trường chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường, nhất là các trường CĐ với trên 60 trường đạt tiêu chuẩn chất lượng của Úc, Đức, Anh và Mỹ để đào tạo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam.
Việc Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam kiến nghị đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề; đưa trình độ CĐ về trở lại bậc giáo dục ĐH; đưa quản lý nhà nước về đào tạo CĐ về Bộ GDĐT còn thiếu những cơ sở khoa học và thực tiễn.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng, việc Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về GDNN sẽ phát huy những lợi thế của ngành. Đồng thời, gắn GDNN với lao động, việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN.
Do đó, Bộ LĐTBXH kiến nghị giữ ổn định hệ thống giáo dục, đào tạo hiện nay theo các quy định của hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo hiện hành. Đồng thời đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THPT vào GDNN để bảo đảm đạt chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS vào GDNN.
Bộ LĐTBXH khẳng định, sẽ phối hợp với Bộ GDĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Từ đó cho phép các cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại cơ sở GDNN.