Người lao động rời phố về quê

H.Hương 17/05/2021 06:35

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, Covid-19 có tác động rất lớn đến thu nhập của các hộ gia đình Việt Nam. Tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình. Tuy nhiên, ADB cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động trong khó khăn.

Việc làm thường xuyên, đó là nguyện vọng của người lao động trong dịch Covid-19.

Giảm giờ làm, giảm lương

Làn sóng Covid-19 thứ 4 đã lan ra nhiều địa phương. Khả năng chống chịu của người dân lẫn doanh nghiệp (DN) Việt Nam một lần nữa lại chịu thử thách.

Chị Nguyễn Thu Trung (48 tuổi) đã phải rời thành phố Bình Dương sau 12 năm bon chen để về quê chồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) sinh sống. Đi cùng chị Thu Trung là 2 đứa con. Đứa lớn 5 tuổi, đứa bé 3 tuổi, còn người chồng vẫn ở lại thành phố Bình Dương, tiếp tục làm ở khu công nghiệp.

Chị Trung kể, gia đình chị thuê nhà trọ ở được 8 năm, nhưng gần 2 năm nay do dịch bệnh nên công ty da giày chị làm thuê gần như không có việc để làm tăng ca. Thu nhâp từ 9 triệu/ tháng giảm còn 7,5 triệu đồng/ tháng. Do vậy, 2 vợ chồng bàn bạc trả nhà trọ về quê ở để đỡ một khoản tiền.

Người chồng chị Trung, anh Thảo, sinh 1974, cho biết sau khi trả nhà trọ và gửi đồ đạc về quê, anh cùng với 2 người bạn nữa thuê một nhà trọ khác để ở. Tiền được san sẻ nên hàng tháng cũng dành dụm được 1 ít để gửi về cho vợ nuôi con.

Gia đình chị Trung, anh Thảo chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bỏ phố về quê để sinh sống do thu nhập ở phố giảm.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người lao động ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã chọn cách di chuyển vào các tỉnh miền Nam để sinh sống, làm ăn. Họ dự tính tiền lương kiếm được nhiều hơn so với nơi ở cũ. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho biết, nhiều người di cư đã kỳ vọng rằng tiền công cho các công việc ở các khu công nghiệp và trong lĩnh vực sản xuất tại các khu đô thị thường cao gấp vài lần các công việc nông nghiệp. Do đó, ở những vùng nông thôn, năng suất thấp, thiếu việc làm và thu nhập thấp từ nông nghiệp là nhân tố quan trọng đẩy người dân tìm đến các vùng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.

Thế nhưng dịch bệnh dường như đã thay đổi tất cả. Từ quê ra phố, người lao động lại rời phố trở về quê.

Chị Trần Thu Hà (25 tuổi) quê Hà Nam cũng đã phải trả nhà trọ ở Hà Đông (Hà Nội) để về quê. Chị Hà chia sẻ, không có bằng cấp nên lên Hà Nội nhờ người quen xin vào học việc và làm ở một spa chăm sóc sắc đẹp. Thế nhưng, đợt dịch này yêu cầu các spa phải dừng hoạt động. “Cũng chưa biết bao giờ cửa hàng làm đẹp mở cửa trở lại, nhà hàng ăn uống cũng đóng cửa nên không ai tuyển người. Trước mắt, chưa có việc lại về quê, làm nông để sinh sống”, chị Hà nói.

Không để người dân gặp khó khăn

Trong thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì sớm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và đề xuất biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hiệu quả, thiết thực.

Phải xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ và thảo luận, công bố công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí này. Bổ sung các chính sách phù hợp cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Giám đốc ADB Việt Nam, ông Andrew Jeffries cho biết: ADB cũng hết sức quan tâm tới quan điểm tăng trưởng bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ Việt Nam, nhằm giúp người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hóa sinh kế, bảo đảm phát triển bền vững.

Một nghiên cứu của ADB cho thấy, Covid 19 có tác động lớn đến thu nhập của các hộ gia đình Việt Nam. Ví dụ, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8% và nhóm thu nhập nghèo nhất sẽ bị giảm thu nhập 10,2%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của các hộ gia đình trong nhóm thu nhập nghèo nhất sẽ tăng lên. Theo ADB, Việt Nam sẽ có thêm 1,7 triệu người nghèo do đại dịch, trong đó những người sống ở vùng sâu vùng xa và người dân tộc thiểu số sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Theo ADB Việt Nam, Nghị quyết 42 là một giải pháp để vượt qua cú sốc thu nhập. ADB kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai chiến lược dài hạn bền vững để giúp người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hóa sinh kế. Ví dụ như đào tạo nghề cấp tốc và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính vi mô để thành lập phát triển công việc kinh doanh mới.

Năm 2021, các giải pháp về phòng chống Covid-19 đã có sự thay đổi, phù hợp với tình hình. Đặc biệt, theo ADB, Việt Nam đã có những điều chỉnh rất phù hợp với tình hình, gắn với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng bị tác động trong xã hội cũng có sự thay đổi so với thời điểm trước đây, thị trường trong nước dần được khôi phục.

Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại (gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số DN vận tải, trong đó có vận tải hàng không).

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, trong đó có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào. Trong khi đó, Bộ LĐTBXH Xã hội cho rằng có 3 vấn đề được quan tâm là bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.

H.Hương