Xét tuyển đại học: Mất cân đối ngành nghề
Theo công bố mới nhất của Bộ GDĐT, kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi và tuyển sinh, thí sinh cả nước đăng ký 3,8 triệu nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH, CĐ. Trong đó, Kinh doanh và Quản lý là nhóm ngành có số lượng NV đăng ký nhiều nhất.
Nhiều thí sinh chọn ngành kinh tế
Kết thúc thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển CĐ, ĐH năm 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, theo thống kế của Bộ GDĐT đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký, trong đó có hơn 40.500 thí sinh tự do, chiếm 3,97%.
Số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chỉ xét tốt nghiệp là hơn 222.500, chiếm 21.79%. Số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là gần 36.000, chiếm 3,5%. Số thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tham gia tuyển sinh là hơn 763.000, chiếm 74,71%.
Tổng số bài thi Khoa học tự nhiên là trên 346.000, chiếm 33,92%. Tổng số bài thi Khoa học xã hội là hơn 546.000, chiếm 53,46%.
Số liệu cũng cho thấy, ngành có đông thí sinh chọn nhất là nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý với 1.218.773 NV đăng ký (trong khi chỉ tiêu chỉ có 118.679). Tiếp đến là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin với 336.001 NV đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Nhóm ngành Khoa học xã hội và hành vi; nhân văn thu hút tổng số 512.183 NV (chỉ lấy 72.182 chỉ tiêu). Năm nay nhóm ngành Khoa học và đào tạo giáo viên trình độ ĐH thu hút 228.821 NV (chỉ lấy 50.737 chỉ tiêu).
Như vậy, có thể thấy thí sinh đang “đổ xô” vào nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý. Đây cũng là thực trạng tuyển sinh ĐH nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, nhìn vào bức tranh chọn ngành chọn nghề của thí sinh có thể thấy sự mất cân đối trong cung và cầu khi ở thời đại công nghiệp 4.0, rất cần đến nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ nhưng số lượng thí sinh đăng ký không nhiều. Tập trung vào mảng kinh doanh và kinh tế quá lớn có thể dẫn đến tình trạng cung quá cầu, thất nghiệp khi ra trường là không tránh khỏi.
Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin cũng là ngành có số lượng NV đăng ký cao, chiếm khoảng 7% tổng số NV đăng ký. Số lượng NV đăng ký vào ngành này cũng gấp gần 7 lần so với lượng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên, lựa chọn vào ngành nào, trường nào là một bài toán “cân não” không dễ với thí sinh và gia đình. Bởi như PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2021, đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, để trúng tuyển, thí sinh phải có trong tay điểm thi tốt nghiệp THPT 3 điểm 9 trở lên thì hẵng tính toán đăng ký xét tuyển.
“Riêng đối với ngành Khoa học máy tính thì năm ngoái, nếu như các em ra khỏi phòng thi mà chắc chắn 3 môn đều 10 thì hẵng nghĩ đến trúng tuyển. Do đó, thí sinh cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực thực sự của bản thân”, ông Điền nói.
Tất nhiên, nếu vẫn yêu thích ngành khoa học máy tính nhưng dự đoán điểm số không đạt tới tối đa, các thí sinh có thể tìm hiểu các trường khác cũng có ngành học này và đăng ký. Bởi khẩu hiệu “chọn ngành rồi mới chọn trường” chưa bao giờ là lỗi thời trong bất cứ mùa tuyển sinh nào. Khi có đam mê và quyết tâm học tập, rèn luyện, dù học ở đâu cũng có thể thành công.
Cẩn trọng khi chọn ngành
Từ thực tế đăng ký NV của thí sinh, các chuyên gia cũng chỉ ra nhóm ngành Giáo dục mầm non tiếp tục được xếp vào nhóm ngành ít thí sinh đăng ký nhất. Cụ thể, nhóm Cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non có nhu cầu tuyển 14.534 chỉ tiêu nhưng NV đăng ký chỉ có 9.641. Dù số lượng có nhỉnh hơn so với năm 2020 thì số lượng NV đăng ký hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của các trường đề ra. Điều này không bất ngờ và cũng là tình trạng chung của các năm trước.
Trên thực tế, chuẩn giáo viên hiện nay yêu cầu từ tiểu học phải đạt từ ĐH trở lên nên thí sinh lựa chọn ĐH, kể cả với giáo viên mầm non. Tuy nhiên, đây là ngành học có mức lương khởi điểm sau khi ra trường thấp, công việc vất vả và bó buộc về mặt thời gian nên chưa nhiều người trẻ “mặn mà” là điều có thể lý giải được.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà- Trường ĐH Khoa học giáo dục, cho rằng thí sinh vẫn còn thời gian để cân nhắc việc thay đổi chọn ngành, chọn trường, trong đó những ai còn đang băn khoăn với lĩnh vực khoa học giáo dục có thể tìm hiểu thêm các cơ hội sau khi ra trường. Bởi hiện nay đang thực hiện đổi mới giáo dục nên nhiều ngành nghề mới phụ trợ cho trường học được mở ra như tham vấn học đường, công tác xã hội trường học, quản trị trường học, đánh giá đảm bảo chất lượng, công nghệ giáo dục... Những ngành trên không chỉ hỗ trợ cho hoạt động nhà trường mà còn giúp đa dạng hóa thị trường việc làm nên thí sinh có cơ hội việc làm rộng mở sau khi ra trường.
Các chuyên gia lưu ý, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh NV 3 lần, bằng hình thức trực tuyến. Đây chính là cơ hội cho các thí sinh và gia đình “cân não” lại bài toán chọn ngành, chọn trường. Không nên đăng ký quá nhiều NV và cũng không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau: Từ kinh tế, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn…
Nên xác định chính xác năng lực, sở thích của bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất thay vì “rải mành mành” NV miễn sao đỗ ĐH. Đến lúc đó, dù có đỗ ĐH, thậm chí vào học ĐH rồi các em cũng có thể cảm thấy không phù hợp mà từ bỏ sẽ rất lãng phí.
“Việc cần làm hiện nay của các thí sinh là tập trung học và ôn tập, hoàn thành những phần còn dang dở để tập trung rà soát lại những kiến thức liên quan đến kỳ thi sắp tới. Ngay cả những thí sinh xét tuyển vào ĐH bằng học bạ cũng cần tập trung ôn luyện để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với điểm số tốt nhất có thể để tăng cơ hội vào những trường top trên như mong muốn”, PGS Phạm Mạnh Hà lưu ý.
Bộ GDĐT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Theo đó, việc tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tập trung vào 8 nội dung, gồm: Công tác chuẩn bị tổ chức thi; công tác coi thi; công tác chấm bài thi tự luận; công tác chấm bài thi trắc nghiệm; việc xử lý các bài thi vi phạm quy chế thi và cập nhật điểm thi vào hệ thống; công tác phúc khảo bài thi tự luận; công tác phúc khảo bài thi trắc nghiệm; công tác xét công nhận tốt nghiệp.
Để công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, Bộ GDĐT quy định cụ thể về tiêu chuẩn người tham gia thanh tra, kiểm tra như có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đã tham dự tập huấn và nắm vững quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, những người có người thân dự thi trong năm tổ chức thi sẽ không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra tại hội đồng thi nơi có người thân của mình dự thi.