Khoảng cách giàu nghèo
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Tổng Bí thư phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, đặt ra những vấn đề hết sức then chốt: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Ở đây, chúng tôi không tham vọng đi vào nhiều khía cạnh của bài viết hết sức công phu, khoa học của Tổng Bí thư, mà bước đầu chỉ xin đi vào một vấn đề, khi Tổng Bí thư nói rằng “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.
Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.
Kể từ ngày 3/2/1930, khi Đảng ra đời, người Việt Nam theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua bao khó khăn gian khổ, chấp nhận biết bao mất mát hy sinh để mong ước được sống trong một đất nước độc lập tự do, mỗi người dân được làm chủ cuộc đời của mình, mỗi người đều có cơ hội như nhau trong cuộc sống. Từ chỗ phấn đấu đủ cơm ăn áo mặc, đến chỗ cuộc sống ấm no, rồi trở nên giàu có, thì đó chính là mong muốn của tất cả mọi người khi dấn thân vào cuộc chiến đấu kiên gan ấy.
Trong sự đi lên, sự thịnh vượng chung thì căn cốt, gốc rễ của nó vẫn phải là sự bình đẳng, bình đẳng trong mọi mặt cuộc sống mà bình đẳng về cơ hội vươn lên là điều hết sức quan trọng. Một xã hội văn minh, một xã hội nhân ái thì con người phải được tôn trọng, được phát huy sức lực và trí tuệ của mình, được cống hiến và được hưởng thụ. Đó cũng chính là sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dày công vun xới, phấn đấu suốt hơn 90 năm qua.
Chúng ta nhớ lại, đã có những lúc ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thiếu thốn trăm bề nhưng mọi người vẫn vững một niềm tin. Niềm tin ấy giúp chúng ta vượt qua mọi gian khổ, để có được ngày hôm nay đất nước đủ sức chống chịu mọi thử thách, cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà đều đi lên. Ngay cả trong những ngày quyết liệt chống Covid-19 này, thì cũng không ai bị bỏ lại phía sau.
Làm giàu chính đáng là điều cần được khuyến khích, nhưng thật căm giận khi không ít kẻ làm giàu bằng cách tước đoạt tài sản của Dân, của Nước. Những kẻ buôn gian bán lận, buôn hàng cấm vi phạm pháp luật để giàu xổi, trở thành trọc phú, đã đành; nhưng nguy hiểm hơn chính là “giặc nội xâm”, những kẻ tham ô, tham nhũng, lợi dụng vị trí và chức vụ để chiếm đoạt, đục khoét tài sản của Dân, của Nước. Đó là cách làm giàu bất lương.
Của công có hạn, chúng giành giật, chia chác cùng nhau. Phải chăng, đường giao thông, trường học, bệnh viện, công viên… chậm được hiện đại là do số tiền bạc ấy đã vào túi của những kẻ tham lam. Lấy của triệu người làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho “nhóm lợi ích” của mình thì đó phải coi là hành động dã man.
Chấp nhận biết bao hy sinh gian khổ cũng là để có được sự công bằng sống trong trời đất, chứ không phải là lại bị bóc lột, bị tước đoạt, bị giành mất cơ hội vươn lên. Với ý nghĩa đó, những kẻ tham ô, tham nhũng đã phản bội lý tưởng Chủ nghĩa xã hội.
“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mà đó cũng chính là tâm tư nguyện vọng, là đòi hỏi chính đáng của chúng ta, của tất cả những người lao động chân chính.
Nhưng cũng thật may mắn, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, của phép nước trừng trị những kẻ tham nhũng. Những ngáng trở, phá hoại trên con đường xây dựng một đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đang dần bị loại bỏ. Cuộc chiến đấu chống giặc nội xâm không bao giờ dễ dàng, nhưng với quyết tâm rất cao làm trong sạch đội ngũ, xây dựng một xã hội lành mạnh chúng ta tin tưởng chắc chắn sẽ thành công.
Thu hồi tài sản phi pháp là chặt đứt động cơ tham nhũng và lấy lại số của cải đó phục vụ cho toàn dân, để người nghèo cũng có cơ hội thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Chính vì lẽ công bằng đó, không thể để tồn tại một cách vô lý những kẻ làm giàu bất lương, rồi quay lại miệt thị con người, “chà đạp lên phẩm giá con người”.