Logistics nhiều tiềm năng tăng trưởng

Văn Giáp 18/05/2021 08:00

Ngành logistics Việt Nam đang trên đà hồi phục và được dự báo còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới, có thể là một trong những lĩnh vực bứt phá mạnh nhất trong năm 2021.

Tiềm năng lớn

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực nhiều có tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. Đây cũng là mối quan tâm lớn của cả Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức đầu tư, tư vấn, đánh giá độc lập của quốc tế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng tại Việt Nam.

Thực tế, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, ước tính tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịcch vuh tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động thương mại sôi động, 4 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 617,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Logistics khởi sắc

Thực tế, các doanh nghiệp logistics có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I/2021. Một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng là Công ty cổ phần Transimex (mã chứng khoán: TMS). Quý I/2021, doanh nghiệp này có doanh thu thuần đạt 1.084 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng cao nên lợi nhuận gộp đạt 112,6 tỷ đồng, tăng 54% so với quý 1/2020. Sau khi trừ các khoản chi phí, Transimex lãi sau thuế 101,2 tỷ đồng, tăng 75,7% so với cùng kỳ.

Nhờ doanh thu tăng cao giúp Transimex (TMS) lãi ròng 99 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) đạt 1.429 đồng, là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử niêm yết của TMS.

Hiện nay, Transimex nhà cung cấp dịch vụ logistics với các mảng hoạt động giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, vận tải nội địa và phân phối.

Một doanh nghiệp đầu ngành cảng biển là Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD) cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 với doanh thu đạt 687,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 171,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 14,4% và 40,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng của Gemadept chiếm 85% tổng doanh thu của GMD, còn lại đến từ hoạt động logistics và cho thuê văn phòng.

Trên thị trường chứng khoán, GMD có giá 36.400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 13/5), tăng gần 10% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.

Với Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (mã chứng khoán: PDN), quý I/2021, lãi ròng của doanh nghiệp đạt hơn 144 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ nhờ doanh thu hoạt động khai thác cảng tăng do tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường. Cổ phiếu PDN cũng tăng nhẹ 2,3% so với đầu năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP) cho biết trong quý I, tổng sản lượng hàng hóa toàn Công ty đạt 7,126 triệu tấn vượt 4% kế hoạch và bằng 114,1% so với cùng kỳ; dự kiến doanh thu đạt 440,7 tỷ đồng vượt 3,18% kế hoạch và bằng 120,2% so với năm 2020.

Lượng tàu qua Cảng Hải Phòng trong tháng 3 đạt 217 tàu bằng 110,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng cả quý I đạt 585 tàu vượt 15,6% so với quý I năm 2020.

Với luồng hàng hải khu vực Hải Phòng đã có công bố về độ sâu chuẩn tắc (-7,0m) nên các hãng tàu đều tăng lượng hàng nhập xuất trên mỗi chuyến, đặc biệt đối với mặt hàng container. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHP tăng 8% so với đầu năm 2021.

Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí - PV Trans (mã chứng khoán: PVT) cho biết trong quý I/2021, PV Trans ghi nhận doanh thu đạt 1.716,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 173,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8,8% và 94,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,3% lên 15%. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVT tăng gần 15% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1. Nhờ những triển vọng sáng về ngành mà cổ phiếu ngành cảng biển cũng theo đà đi lên.

Văn Giáp