Xung đột Israel – Palestine: Dải Gaza biến thành biển lửa
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi lập tức chấm dứt bạo lực đẫm máu giữa Israel và Palestine. Phát biểu mở đầu phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ (ngày 16/5), ông Guterres nhấn mạnh: Cần phải lập tức chấm dứt giao tranh. Bạo lực khiến gần 200 người thiệt mạng trong tuần qua là vô cùng kinh hoàng và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh không thể khống chế.
Trong phát biểu của mình tại Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, vòng xoáy đổ máu, khủng bố và phá hoại vô nghĩa này cần lập tức chấm dứt. Ông Guterres cũng lên tiếng chỉ trích vụ tấn công của Israel hôm 15/5 phá hủy văn phòng của 2 hãng tin lớn ở Gaza là Al-Jazeera và AP. Theo Tổng thư ký LHQ, các nhà báo cần được phép tác nghiệp mà không phải lo sợ hay bị quấy rối. Vụ phá hủy các văn phòng truyền thông tại Gaza là vô cùng đáng quan ngại.
Giọt nước tràn ly và nguyên nhân xung đột
Giới quan sát cho rằng, một loạt sự kiện chính trị và tôn giáo châm ngòi cho những cuộc đụng độ đẫm máu giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine kể từ năm 2014. Tuy nhiên, lần này, mồi lửa trực tiếp gây căng thẳng là việc Israel đuổi một số gia đình người Palestine sinh sống đã lâu tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem.
Tức giận trước hành động này, nhiều người Palestine tụ tập bên ngoài các tòa nhà người Do Thái vừa dọn vào. Cảnh sát được gọi đến và dẫn tới đụng độ vào cuối tuần trước, khiến gần 200 người Palestine bị thương. Hamas, tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza, ngay trong ngày 10/5 đã cam kết đứng về phía người dân Palestine bị lấy đất và thề sẽ biến một số thành phố của Israel thành “địa ngục”, bao gồm cả Tel Aviv.
Rạng sáng 17/5, máy bay chiến đấu Israel đã tiến hành đợt không kích dữ dội nhiều địa điểm tại thành phố Gaza. Theo hãng tin AP, nhiều tiếng nổ đã làm rung chuyển thành phố này trong suốt 10 phút. Đợt không kích này dữ dội hơn, trên phạm vi rộng hơn và kéo dài hơn đợt không kích trước đó 24 giờ khiến 42 người Palestine thiệt mạng. Đây là vụ tấn công gây thương vong lớn nhất trong loạt xung đột mới đây nhất giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza.
Chỉ tính từ ngày 10 đến 13/3, Hamas đã bắn hơn 1.500 quả rocket vào lãnh thổ Israel, bao gồm cả Tel Aviv. Quân đội Israel đã đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích. Dải Gaza biến thành biển lửa khổng lồ, bạo lực leo thang căng thẳng và đẫm máu.
Mô tả của AP, suốt tuần qua, bầu trời thành phố Tel Aviv và tại Dải Gaza đã bị “nhuộm đỏ” bởi rocket và tên lửa, khi quân đội Israel và Hamas liên tục thực hiện các cuộc không kích trả đũa nhau. LHQ cảnh báo tình hình “đang leo thang thành một cuộc chiến tổng lực”. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc không kích; Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng đã trình dự thảo kế hoạch triển khai bộ binh tiến vào Dải Gaza.
Ngày đẫm máu
Kể từ ngày 10/5, khi xung đột dữ dội Israel - Palestine bùng nổ, thì ngày 16/5 được cho là ngày đẫm máu nhất. Ngay trong buổi sáng, những đợt không kích của Israel đã dội lửa xuống Gaza. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ chát chúa, tiếng rốc két và đạn pháo xé gió át đi những tiếng kêu khóc của người dân. Ngay đợt không kích đầu tiên của Israel, 33 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em.
Trong khi đó, Hamas không ngừng nã rocket về phía Israel. Hệ thống phòng thủ có tên gọi “Vòm sắt” của Israel tưởng chừng thất thủ trước hàng loạt rocket với sức xuyên thủng tưởng như không cưỡng nổi được phóng lên từ Dải Gaza. Kể từ ngày 10/5, Hamas đã bắn hơn 2.900 rocket nhằm vào Israel. Riêng trong ngày 16/5 đã là hơn 1000 quả. Truyền thông quốc tế đã gọi đây là cuộc giao tranh tổng lực, chỉ thiếu bộ binh.
Ngay trong chiều muộn ngày 16/5, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp khẩn cấp. Tất cả các ý kiến đều bày tỏ lo ngại trước tình hình leo thang xung đột giữa Israel và Palestine. Trước đó ít giờ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đề cập tình trạng thương vong xảy ra với dân thường ở Gaza cũng như vụ quân đội Israel không kích đánh sập tòa nhà 11 tầng, nơi đặt văn phòng đại diện của nhiều tổ hợp truyền thông, trong đó có hãng tin AP và Al Jazeera.
Cũng trong ngày 16/5, Giáo hoàng Francis lên tiếng kêu gọi chấm dứt xung đột bạo lực. Giáo hoàng khẳng định việc người dân vô tội, trong đó có trẻ em, thiệt mạng trong những ngày vừa qua là điều không thể chấp nhận được. Ông kêu gọi các bên liên quan gác vũ khí, tìm kiếm biện pháp hòa bình.
Hôm nay, 18/5, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ có phiên họp khẩn theo hình thức trực tuyến, để tìm kiếm giải pháp cho leo thang xung đột giữa Israel và Palestine.
Nỗ lực ngoại giao
Trong một diễn biến ngoại giao khác, ngày 17/5, Mỹ và Ai Cập tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ nếu Israel và Palestine nhất trí muốn ngừng chiến nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang ngày càng diễn biến tồi tệ giữa hai bên.
Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nếu Israel và Palestine nhất trí muốn ngừng chiến. Đại sứ Thomas-Greenfield cho hay kể từ lần cuối Hội đồng Bảo an họp về vấn đề Israel-Palestine, Mỹ đã nỗ lực không mệt mỏi qua các kênh ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề xung đột giữa Israel và Palestine và luôn tin rằng cả người dân Israel và người dân Palestine đều có quyền bình đẳng được sống trong môi trường an toàn và đảm bảo an ninh.
Còn Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, Cairo sẽ nỗ lực hết sức để đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Palestine. Ông Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên các vùng lãnh thổ của Palestine và việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định giải pháp “hai nhà nước” vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay. Ông Shoukry cho biết, ngay từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, Ai Cập đã tìm cách thông qua các kênh liên lạc nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và khôi phục các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Một phái đoàn Ai Cập đã gặp các quan chức của Tel Aviv và Hamas, qua đó Ai Cập đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm giữa hai bên do Cairo giám sát và điều phối. Tuy nhiên, đề xuất của Ai Cập đã bị Israel từ chối.