Khuyến cáo của các chuyên gia sau khi tiêm vaccine Covid-19
Trên cơ sở khuyến cáo của WHO và thực tiễn kết quả triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tích cực và chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm vaccine phòng Covid-19.
Khi đến lượt mình được tiêm vaccine Covid-19, hãy đến các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khoẻ, thông tin cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm.
Khuyến cáo đối tượng tiêm vaccine Covid-19
- Phụ nữ có thai khuyến cáo tiêm vaccine khi lợi ích của vaccine vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi, ví dụ như đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc Covid-19 nặng.
- Đối với phụ nữ cho con bú, tiêm vaccine nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine.
- Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch, tiêm vaccine nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.
- Người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, chỉ định tiêm dù có hoặc không triệu chứng.
- Người đang mắc Covid -19, sẽ tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
- Người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng Covid-19, sẽ tiêm sau 90 ngày.
- Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền, cần tiêm vaccine vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.
- Tạm hoãn tiêm đối với các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển.
- Hoãn tiêm chủng với những người đang mắc bệnh Covid -19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp PCR. Chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
Quy trình tiêm vaccine Covid -19 tại Việt Nam
Với phương châm "Tiêm đến đâu an toàn đến đó", quy trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.
Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.
Cơ sở tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.
Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.
Theo dõi sau tiêm chủng
Các đối tượng sau khi tiêm cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại điểm tiêm, và việc theo dõi này phải được thực hiện bởi cán bộ y tế. Đối tượng được tiêm cũng cần chú ý đến những thay đổi bất thường trong cơ thể của mình như nổi mày đay, ngứa, hay tức ngực, khó thở... Và cần thông báo ngay với nhân viên y tế về những vấn đề mà mình đang gặp phải. Sau đó, cán bộ y tế hướng dẫn đối tượng tiêm chủng cách theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày sau khi tiêm và đối tượng được tiêm cần phải thực hiện nghiêm túc và thông báo ngay đến cơ sở y tế khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Các triệu chứng này sẽ được hệ thống y tế ghi nhận, báo cáo và theo dõi và xử trí theo phác đồ quy định.
Trong phần lớn các trường hợp, người đi tiêm chỉ gặp chút khó chịu trong ngày đầu sau tiêm, dấu hiệu tại chỗ như đau, sưng hay toàn thân như cảm giác gai rét, sốt, chóng mặt sẽ qua nhanh. Do đó, những dấu hiệu này thường không được ghi nhận. Tuy nhiên, ngay cả một số trường hợp sốt cao phải dùng thuốc mới hạ sốt cũng đôi khi bị bỏ qua và không báo lại cho đơn vị tiêm chủng gây ước lượng sai về mức độ các phản ứng thông thường sau tiêm. Bộ Y tế khuyến cáo người được tiêm chủng cần thông báo lại toàn bộ những phản ứng thông thường để giúp cơ quan quản lý có những đánh giá đúng về vaccine.
Như vậy, an toàn trong tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ được thực hiện nếu các quy định trong công tác triển khai tiêm chủng, đặc biệt là những thay đổi trong công tác khám sàng lọc được cập nhật và phải triển khai một cách nghiêm túc.
Trước tình hình một số người được tiêm phản ứng hơi quá do lo sợ tiêm chủng, việc theo dõi những phản ứng cần kèm theo tư vấn đầy đủ về đặc điểm vaccine, các triệu chứng có thể gặp cũng như làm công tác tư tưởng cho người được tiêm. Đơn vị tiêm chủng cũng cần chủ động liên hệ với đối tượng được tiêm để ghi nhận những biến cố bất lợi nhằm bảo đảm an toàn chung cho công tác tiêm chủng cũng như đảm bảo cho sự thành công của chiến dịch.
Một số phản ứng có thể xảy ra sau tiêm
- Rất phổ biến (10%) như đau đầu, đau cơ, buồn nôn, đau khớp, sốt, nóng tại chỗ tiêm...
- Phổ biến (từ 1 đến dưới 10%): Sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
- Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn... có thể xảy ra sau tiêm vaccine nhưng hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có đẩy đủ dữ liệu.
- Chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vaccine.
Do đó, cần theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm chủng; thông báo cho cán bộ y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào sau tiêm vaccine.