TP. Hồ Chí Minh: Hệ thống giao thông kết nối vùng sẽ có những bứt phá trong thời gian tới
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho hay yêu cầu phát triển hệ thống kết nối giao thông TP.HCM với liên vùng đang rất cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cả khu vực phía Nam.
Ngày 13/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM. Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc, trong đó lớn nhất là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, yêu cầu phát triển hệ thống kết nối giao thông TP.HCM với liên vùng đang rất cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cả khu vực phía Nam. Trong đó, một số công trình giao thông kết nối vùng đã và sắp được triển khai, đặc biệt là khu vực TP.Thủ Đức.
TP. Thủ Đức mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, sau khi thành lập có diện tích hơn 212 km2 (chiếm khoảng hơn 10% diện tích tự nhiên toàn TP.HCM), dân số hơn 1,5 triệu người.
TP.Thủ Đức sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, là khu vực có điều kiện và tiềm năng thuận lợi phát triển đô thị như: trục Xa lộ Hà nội, tuyến metro số 1, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, kết nối với các khu chức năng quan trọng: Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, khu Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc,…; liên kết với các động lực phát triển quan trọng như trung tâm thành phố, Khu đô thị Thủ Thiêm, kết nối với sân bay Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch… Hành lang phát triển là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội; phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.
Hiện nay, trên địa bàn TP.Thủ Đức, mật độ đường giao thông đạt 2,15km/km2 (mật độ đường giao thông toàn TP.HCM đạt 2,2km/km2; theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BXD về quy hoạch xây dựng, mật độ đường giao thông tính đến cấp đường phân khu vực là 13,3 - 10 km/km2); tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 7,21% (tỷ lệ đất dành cho giao thông toàn TP.HCM đạt 12,2%; theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BXD về quy hoạch xây dựng, tỷ lệ đất giao thông tính đến đường phân khu vực là 18 %).
PV: Được biết, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông thành phố chưa theo kịp sự phát triển của các phương tiên giao thông. Thưa ông, ngành giao thông đã có giải pháp căn cơ lâu dài?
Ông Trần Quang Lâm: Để triển khai chi tiết các nhiệm vụ nêu trên và đảm bảo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông có tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; Sở GTVT TPHCM đã, đang và sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương và các đơn vị tư vấn có liên quan tham mưu UBND TP.HCM những vấn đề cụ thể như sau:
Lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cho khu vực hướng Đông. Trong đó, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, tiên quyết phải đầu tư như: Khép kín các tuyến vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3), các trục đường kết nối với các khu vực trọng tâm phát triển; phân bổ nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, cụ thể: kết nối liên vùng; đầu tư khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; Kết nối các khu chức năng, hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực như nâng cấp mở rộng các tuyến Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Xiển; Xây dựng đường liên cảng,…
Chống ùn tắc giao thông, di dời cảng Trường Thọ, cải tạo các nút giao thông chính: nút An Phú, Mỹ Thủy, ngã tư Thủ Đức,… Phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo phía Đông đến năm 2040. Theo đó, phấn đấu thi công hoàn thành tuyến Metro số 1 và tuyến BRT số 1 trong năm 2021, phát triển mạng lưới xe buýt có sức chở phù hợp hệ thống hạ tầng đô thi; mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Phát triển vận tải hàng hóa logistic, cảng biển và ICD tại Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình, bến xe Miền Đông, trung tâm vận tải tại Long Trường, Trường Thạnh. Phát triển mạng lưới giao thông thủy; vận tải hàng hóa, hành khách kết hợp du lịch.
PV: Để TP. Thủ Đức thật sự trở thành một thành phố động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và cả vùng kinh tế phía Nam, lãnh đạo thành phố kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp thành phố xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông ở TP. Thủ Đức còn yếu kém, vậy Sở GTVT thành phố đã tham mưu phát triển giao thông ở thành phố này như thế nào?
Ông Trần Quang Lâm: Với mục tiêu hình thành và phát triển TP. Thủ Đức trở thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, thành phố về thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM (Quyết định số 1379/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2020), ban hành Kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM (Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2020); trong đó, đã xác định vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị có liên quan đối với công tác xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông. Theo đó, nhiệm vụ chính của Sở GTVT là xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông để làm cơ sở thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp theo kế hoạch hành động về xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Thủ Đức và các chủ đầu tư để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đang vướng mắc; xây dựng kế hoạch chi tiết của từng công trình, định kỳ kiểm điểm tiến độ, cá thể hóa trách nhiệm của từng vị trí, từng khâu nhằm đảm bảo theo dõi có hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, phối hợp Sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu ban hành cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng để nghiên cứu, đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tiếp tục nghiên cứu các quy định có liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.
Phối hợp Sở ngành, đơn vị liên quan thường xuyên thực hiện công tác rà soát điều chỉnh lại các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã ban hành không còn phù hợp với thực tế và đồng bộ với quy hoạch xây dựng chung TP. HCM, quy hoạch chung của thành phố, trong đó chú trọng đến quy hoạch, phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD); đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy hoạch các dự án có tính kết nối giữa các khu vực khác nhau của Khu đô thị sáng tạo phía Đông và với các khu vực khác của thành phố, cũng như các kết nối với các tỉnh lân cận như: tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương.
Hạ tầng giao thông được xác định là một trong những đột phá trong giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đối với hạ tầng giao thông TP.HCM và các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương, các chính sách đầu tư theo hình thức PPP,…), tin tưởng rằng hạ tầng giao thông TP. Thủ Đức sẽ có sự bứt phá và thay đổi diện mạo trong thời gian 3 đền 5 năm tới.
PV: Xin cảm ơn ông !