Mùa trăng thương nhớ
Nhân gian có trăng bấy nay cho đêm của 4 mùa nhiều khi được thổn thức chứ không chỉ thăm thẳm như những ngày vầng trăng đi vắng. Vẫn giời đất ấy, nhưng có lẽ vào mùa Hạ vầng trăng hào phóng thả ánh vàng xuống trần gian hơn cả.
Bông hoa gạo cuối cùng rơi xuống, đem theo cái đằng đẵng của năm qua, mùa cũ, những giá rét đáng sợ của mùa Đông, những nồm ẩm của mùa Xuân thường khiến không gian nhỏ lại, thì nay đã phải nhường chỗ cho nắng mới. Nắng tưng bừng như đi hội với hoa. Hoa thơm mát, lại thơm nồng, bông hoa mướp cũng thơm cùng cái lá và quả non vừa đậu. Chắc thế, vì đi qua giàn mướp hương thơm lắm, bướm ong rập rờn. Người chẳng còn rong chơi trong các đám hội xuân, người tất bật trông trăng ngày rằm để dự đoán con nước. Trẻ con, mà cả người lớn lại nhẩm bài đồng dao xưa:
Mồng một lưỡi trai,
Mồng hai lá lúa.
Mồng ba câu liêm,
Mồng bốn lưỡi liềm.
Mồng năm liềm giật,
Mồng sáu thật trăng...
Cho dẫu những ngày đầu tháng mới chỉ là trăng non, mà ánh vàng đã đủ để đêm bâng khuâng. Trận mưa rào hồi chiều không làm trăng đến muộn. Giời trên cao, sao đi trốn, chỉ có mỗi trăng về, bé nhỏ, thanh khiết. Người ta bảo trăng non có lẽ là do sắc vàng của ánh trăng chưa đậm chứ chưa hẳn chỉ tính độ tròn đầy của khuôn vàng.
Cơn gió bay qua cây ngọc lan nhà ai mà thơm quá! Khiến quên khuấy cả những bận bịu vừa mới đây. Tiếng côn trùng sau mưa kêu ran, chưa nắng khô rạc lại đã mưa dông khiến không gian trở nên thanh sạch vô cùng, gió tản hương hoa mà ngỡ như hương thơm phả ra từ ánh trăng. Cỏ và những loài cây dại ven đường vừa đổ rạp trong mưa chẳng ai để ý cũng đã ngóc đầu dậy đưa hương rất khẽ, nhiều khi người ta vẫn nói mùi cỏ. Hạt mưa lận vào đó cũng đón được ánh trăng non. Nhiều người đóng cửa sổ đi ngủ sớm hơn vì trời mát, cửa chưa khép xong có người giữ tay lại bảo: “Bận gì, trăng đầu tháng đâu đã tỏ, mà buồng giữa vườn có ai thấy đâu mà lo đóng cửa’’. Cửa ngỏ, đúng thật như thể là nhìn thấy cả gió trăng đặt nồng nàn lên gối.
Chợ phiên rằm, người ta xếp nhiều hương lên chõng hàng hơn các buổi khác, mùi xạ, mùi bài, mùi trầm đều ngát cả. Người kĩ tính trông nắng mưa để sắm lễ, sợ rằng sau trận mưa nhiều loại quả bị nhạt. Ví như mưa suốt đêm qua mà sớm nay hái doi, cắt ổi hay đu đủ sớm thể nào quả cũng nhạt hơn quả chín già phơi trong nắng dăm buổi. Thắp hương xong, được thưởng thứ quả chín cây ngọt thơm trong nắng thì không gì bằng. Ấy thế nhưng, ngô mà bẻ chiều qua, sớm nay đi chợ lại không bao giờ bằng ngô bẻ sớm, theo xe ra chợ luôn. Có những khi người bán ngô còn kể đi bẻ ngô sớm “giăng’’ còn chưa lặn, bẻ cả xào ngô xong cả nhà chia nhau đi chợ gần chợ xa bán cho đúng độ bánh tẻ mới dẻo chứ “tang’’ này non thì nát, mà quá lứa cứng đanh cũng không ngon. Có người chọn ngô còn mủm mỉm cười bảo: “Hóa ra cái tang này cũng giống như người nhỉ’’. Có dăm sào màu bận suốt mùa mà cũng vui đáo để.
Người bán hoa nhài xởi lởi kể chuyện bụi hoa nhài bên bể nước nhà mình, chả tưới gì ngoài nước gạo mà mùa này hoa nở trắng cây. Hoa nhài kép to như cái chén. Người mua nhặt cái lá dong riềng, để ngửa trên lòng tay, rồi nhón tay lấy những bông, những chùm hoa trắng ngần, thơm nức ấy được đặt vào tàu lá xanh viền tím ấy. Đúng là của hàng hoa có khác, người bán lựa tay đã đành, người mua cũng khéo. Những bông hoa thơm từ đêm trăng tới giờ chưa vợi hương. Người bán hàng còn kể rằng đã tách gốc, đôn được 1 khóm ra cửa sổ buồng ngủ. Nghe thế, có người đi về phía cuối chợ mua 1 khóm nhài đang nở trắng hoa.
Trời xa thăm thẳm, những ngôi sao vào đêm quang trời cũng sáng, nhưng vẫn một mình vầng trăng vành vạnh miệt mài thả tơ vàng. Hình như ánh trăng nhắc hoa nhài thơm, hoa quỳnh nở kẻo người trông đợi. Có người đàn bà đẹp cô đơn như vầng trăng, chị đã đi qua những mùa trăng đằng đẵng như thể đủ thời gian để đếm hết những ngôi sao kia. Vầng trăng xưa thơm mát phủ đầy tóc mây, người nói lời yêu, lời hẹn ước để rồi cùng nhau trốn vào nơi không có ánh trăng. Trốn làm sao được trăng mùa Hạ, luồng ánh sáng mãnh liệt như con trai con gái phải lòng nhau. Gió đồng tình, hoa cũng đồng tình, ánh trăng thấm vào da thịt, áo vắt đấy cũng đẫm ánh trăng…
Quỳnh dao vương vấn lên cao đến mái gianh, người bội ước, quỳnh nở một mình, thơm với ánh trăng. Người làng không hẹn mà nên, chọn ngày trăng sáng 2 họ đi uống nước đến khuya, mấy đôi nhấm nháy hẹn hò chỗ đám hoa dành dành nở trắng. Đám trung niên làm cỗ trong ánh trăng khuya những tưởng chẳng phải mắc đèn. Có giọt nước mắt lăn dài đêm trăng ấy, trách người rồi trách cả vầng trăng. Những vầng trăng mùa Hạ thao thiết nồng nàn đến vô tâm, thứ ánh sáng kì lạ cất giữ nguyên vẹn tất cả, cả những điều mà đôi khi người ta không muốn nhớ.
Đêm tháng 5, trăng thơm mùi lúa, mùi rơm mới tuốt. Tóc con gái cũng thơm mùi bồ kết, con trai con gái bận mấy vẫn hẹn hò. Đêm ít gió, vầng trăng như ngủ quên trên ngọn tre. Người già cứ hay nói oan bảo hoa nhài là hoa con đĩ, chỉ vì hoa ấy chỉ nở về đêm. Đành là kiêng không ai sắp vào đĩa hoa cúng như những loài hoa khác. Nhưng hoa này làm con gái mê, hoa cặp lên tóc, hoa lại xắn trong tay áo, con trai cũng bị hương hoa này mê hoặc có khi, cứ muốn nắm chặt mãi đôi tay đã cầm hoa, cứ muốn giữ mãi cái khăn tay người ấy ướp hương hoa. Nào ai dám tin, lại nghĩ có khi bông đùa. Ai ngờ suốt cả mùa trăng hái hoa nhờ người giữ hộ. Và còn bảo:
-Sao khi hoa ở vườn nhà mình chỉ là hoa, mà hoa trong tay đằng ấy như thể bùa yêu.
Kệ vầng trăng, kệ những cơn gió thơm tản mát trong ánh trăng khuya, anh còn bảo:
-Cả đời anh sẽ để hoa đặt dưới gối để tóc này thơm.
-Khi tóc bạc thì sao?
-Thì mặc áo gấm lên chùa là cụ ông, cụ bà chứ sao? Nếu có quên lối thì đằng ấy chống gậy đi đón về.
-Bực lên mắng thì sao?
-Không, khi ấy vẫn thương.
Nói rồi hôn nhau, kệ vầng trăng trên ấy mờ tỏ với mây.
Ai chẳng muốn mãi tựa vào bờ vai người đã nói lời ấy.
Con đường đất vắt qua cánh đồng khuya về như dòng suối đầy ánh trăng. Những người yêu nhau sợ nhất khi vầng trăng lặn, ấy là khi phải chia tay. Mai có gặp cũng là tất bật cắt cắt, lượm lượm rồi chở lúa về. Chờ mãi chẳng đến tối để được gặp nhau. Nên khi trăng lên là phải sang nhà bên ấy ngay, không thì nhớ quá. Lâu nhỉ, bao giờ mới được chung nhà. Vì tháng sáu rồi đến tháng ngâu, ai dám cưới hỏi, phải chờ mãi tận tháng 8.
Nhà trai cứ cuống lên tính toán thế, trong khi nhà gái lại muốn thư thư, qua vụ tháng 10, có khi còn muốn hẹn qua tết ta, cho ngày rộng tháng dài. Thế nhưng người làm mối nói rõ khéo rằng: Đi mấy nơi xem ngày, thầy nào cũng bảo đôi này đẹp nhất là cưới vào mùa Thu, ‘’giăng’’ sáng.
Người làng bên đã sang thưa chuyện, đám trẻ con kháo nhau ầm sân chùa sau khi đi xem dẫn lễ. Ai cũng biết rằng sau rằm tháng 8 nhà bên ấy sẽ xin cưới liền tay.
Mấy tay trai làng cũng thôi hi vọng, anh đeo kính gọng vàng đi xe Cub đỏ chẳng biết ai báo tin cho cũng đã không trở lại ngõ này.
Cánh đồng sau gặt thẫm ánh trăng, giông bão còn đầy, vì nhìn mướp leo đầy giàn, nhãn hoa kín cây thế kia ai cũng đoán nước lớn, không biết vụ tháng 10 thế nào, vụ tháng 10 bao giờ cũng phải gánh cả tết nhất, lễ hội, không biết lúa có phải “xanh nhà hơn già đồng không’’? Thóc cứ phải phơi xong vàng như ruối dưới chân mới yên tâm được...
Thì những bậc làm cha làm mẹ cả nghĩ là cứ hay lo xa, lo gần thế chứ dưới vầng trăng lứa đôi vẫn thủ thỉ cả vạn lời yêu, hôn nhau và hạnh phúc.