Muôn vàn khó khăn, áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021

An Chi 19/05/2021 14:00

Căn cứ theo khung chương trình năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chỉ còn gần 2 tuần nữa, học sinh trên cả nước sẽ phải hoàn thành nội dung năm học 2020-2021. So với các năm học trước, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có phần áp lực hơn khi học sinh phải trải qua 2 năm học tập trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.

Phương án thi tuyển sinh lớp 10 ra sao?

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, hàng chục địa phương trên cả nước đã buộc phải cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online đã kéo theo sự lo lắng của nhà trường, phụ huynh và đặc biệt là tâm trạng của nhiều học sinh cuối cấp THCS chuẩn bị thi vào lớp 10.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở đang báo cáo UBND TP xin ý kiến về phương án thi lớp 10 trong tình huống dịch Covid -19 phức tạp. Việc có điều chỉnh phương án thi hay không sẽ phải chờ UBND TP Hà Nội đồng ý.

Ghi nhận thực tế cho thấy hiện học sinh lớp 9 ở Hà Nội 100% vẫn ôn tập trực tuyến. Tâm lý đè nặng lên học sinh và nhiều phụ huynh khi Sở GD-ĐT Hà Nội chưa thông tin gì về phương án kỳ thi vào lớp 10 trong tình huống đặc biệt.

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định, theo khung kế hoạch thường niên, thời điểm kết thúc năm học vào ngày 31/5. Hiện còn khoảng chưa đầy 2 tuần nữa là hết tháng 5, đây là thời điểm nước rút để các trường vừa ôn tập, kiểm tra và đánh giá học sinh.

Trước lo ngại về thời gian thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10 ở các địa phương bị ảnh hưởng do Covid-19 như năm 2020 từng xảy ra, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, dù tạm nghỉ nhưng hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được các trường học duy trì, thời gian kết thúc năm học tạm thời chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Đối với các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi… sẽ do các địa phương chủ động kế hoạch, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, học sinh, phụ huynh hoàn toàn yên tâm, tập trung ôn tập thật tốt cho kỳ thi cuối cấp quan trọng sắp tới.

Làm thế nào để đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10?

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường:

Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Đống Đa): Điều đầu tiên là phụ huynh cùng nhà trường cần chuẩn bị kỹ kiến thức để đáp ứng kỳ thi, thứ 2 cần chuẩn bị sức khỏe tốt cho các con, nhất là trong ngày hè nắng nóng.

Học sinh học vất vả, áp lực, căng thẳng, vì vậy phụ huynh cần đồng hành cùng con trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để biết con mình đang ở đâu về năng lực nhận thức, năng lực tư duy, kỹ năng mà con mình đáp ứng được. Từ đó lựa chọn mục tiêu theo nguyện vọng 1, 2, 3 và đặc biệt cần chuẩn bị sẵn những… phương án dự phòng.

“Khi có phương án dự phòng tâm lý của phụ huynh đỡ áp lực, học sinh cũng cởi bỏ được tâm lý nặng nề mà ở tuổi đó các em khó vượt qua. Tôi mong muốn phụ huynh xác định đúng mục tiêu cho con mình để các em bước vào trường THPT với tâm lý tốt nhất, chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo là đại học để có hành trang vào cuộc sống với 1 nghề nghiệp được lựa chọn phù hợp, điều đó quan trọng hơn là bắt buộc phải vào 1 trường công lập, trường này, trường kia...”, bà Hiền nói.

Nỗ lực tối đa để có được “tấm vé” vào cánh cổng trường mình mong ước, nhưng theo các thầy cô giáo, các em cũng nên cân đối thời gian học với thời gian nghỉ ngơi để vừa giữ sức khỏe, vừa đạt hiệu quả học tập tốt nhất cho kỳ thi tới.

Phân bổ thời gian hợp lý:

Chia sẻ về phương pháp ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, hiện tại, thời gian ôn tập không còn nhiều, trước tiên, mỗi học sinh cần tự lên kế hoạch ôn tập riêng cho mình theo quỹ thời gian của bản thân. Kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Có thể chia các nội dung ôn tập của các bộ môn theo từng tuần, thậm chí theo từng ngày.

Cô Nguyễn Thanh Thủy cũng lưu ý nếu trước ngày thi còn băn khoăn, lo lắng về kỳ thi, các em có thể trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ để vững vàng tâm lý và kiến thức, tự tin chinh phục các bài thi, đạt được kết quả như nguyện vọng.

Không học tủ, học thêm tràn lan:

Cô Nguyễn Thanh Thủy cho biết thêm, trước các kỳ thi, học sinh thường hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trước, nhiều em có suy nghĩ năm trước đã thi bài nào rồi, năm nay không thi nữa, đề thi học sinh giỏi đã thi rồi thì loại trừ bài đó trong kì thi vào lớp 10 hoặc đoán đề để học tủ dựa vào các vấn đề chính trị, văn hóa lớn trong năm...

Nhận thức này dẫn đến việc học tủ, ôn tủ vào một số bài, một số dạng và không bao quát được toàn bộ chương trình.

“Việc này rất nguy hiểm, khi việc học không thực chất, mang tính đối phó sẽ không thể hi vọng có được kết quả cao trong kì thi. Hơn nữa, việc học tủ sẽ không thể đem đến sự tự tin khi đi thi, dẫn tới tâm lí hoang mang, mất bình tĩnh khi bước vào dự thi, thậm chí có thể dẫn tới việc vi phạm qui chế thi nếu đề không “trúng tủ”, cô Thủy lưu ý.

Để tránh tâm lí chủ quan, học đối phó, học tủ trong học sinh, cô Thủy cho rằng mỗi giáo viên vẫn cần giúp học sinh nhận thức đúng đắn về vấn đề này, thấy được tác hại nghiêm trọng của việc học tủ để học sinh tự tránh không mắc phải.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tránh việc ôn tập chỉ chú trọng vào dạy một số bài được cho là trọng tâm mà cần có sự khái quát tổng thể nội dung chương trình, ôn luyện cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản, tránh dạy để học sinh chỉ học thuộc theo kiểu học vẹt... Thầy cô cần hướng dẫn học sinh các kĩ năng, các phương pháp làm bài ở các dạng để học sinh có thể linh hoạt vận dụng trong việc giải quyết các bài tập.

Phụ huynh là chỗ dựa lớn nhất để con vượt qua kỳ thi:

Trong mỗi kỳ thi, phụ huynh học sinh luôn giữ vai trò quan trọng và không thể thay thế. Phụ huynh học sinh góp phần bảo đảm cho học sinh có được sự an toàn và sức khỏe khi ôn thi trong mùa dịch. Các bậc cha mẹ cũng là người giúp học sinh có đầy đủ các phương tiện, đồ dùng, thiết bị để thuận lợi khi tham gia học trực tuyến.

Trước mùa thi, các bậc phụ huynh nên bảo đảm cho các con một không gian học tập yên tĩnh và bảo đảm thời gian theo thời khóa biểu của nhà trường, hỗ trợ việc học ôn cho các con bằng nhiều hình thức như kiểm tra truy bài, giảng bài, hướng dẫn phương pháp học tập…

Ngoài ra, thời điểm này, phụ huynh học sinh cần phải đặc biệt quan tâm quản lí việc học của các con qua việc phối kết hợp với nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để từ đó kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho con em mình.

Nhất là với những học sinh còn thiếu ý thức tự giác khi học và ôn tập kiến thức cho kỳ thi. Có thể nói, phụ huynh học sinh là động lực, là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để học sinh thấy được trách nhiệm của mình mà cố gắng học tập và vững tâm bước vào kỳ thi.

An Chi