Quảng Ninh: Dự án xử lý rác thải 'chết lâm sàng', người dân kêu cứu
“Mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bủa vây gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của hàng chục hộ dân thôn Đồng Lá chúng tôi”, những bức xúc của người dân phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại bãi rác thải lộ thiên thuộc địa phận thôn Đồng Lá, xã Hòa Bình, TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Theo phản ánh của người dân, phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã trực tiếp đến thực địa xác minh thông tin.
Ghi nhận tại bãi rác thải lộ thiên thuộc địa phận thôn Đồng Lá (xã Hòa Bình, TP Hạ Long), rác được đổ thành 2 khu vực, trong đó 1 khu vực đã ngừng tiếp nhận rác, rác thải chất cao và được phủ bạt kín, bên cạnh đó, khu vực còn lại mới được hình thành đang hoạt động.
Mặc dù khu vực tập kết rác mới đã được be bờ, rải vật liệu lót đáy để thu gom nước rỉ rác nhưng do không xử lý chôn lấp nên việc xử lý rác thải cũng chỉ là san gạt, tập hợp chứa hàng tấn rác thải để lộ thiên, ruồi nhặng như... rắc đậu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Đồng Lá bức xúc chia sẻ về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ bãi rác này: “Chúng tôi sống ở đây từ đời cha ông các cụ để lại cho ruộng đất, ao cá để làm ăn sinh sống, vậy mà từ khi thôn trở thành điểm tập kết rác, những đống rác thải chất cao đổ về đây gây ô nhiễm môi trường. Rác thải, nước rỉ rác đen sì hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bủa vây khắp xóm làng. Cuộc sống của chúng tôi thay đổi hoàn toàn, không thể canh tác, nuôi trồng được gì trên chính mảnh đất của mình, cá trong ao nhà tôi đã chết rất nhiều. Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên, thế nhưng sự việc vẫn vậy, đến nay vẫn không có gì thay đổi.”
Ngay cạnh thôn Đồng Lá, nhiều người dân thôn Thác Cát cũng có chung cảnh ngộ, chị Đ.T.Q. trú tại thôn Thác Cát cho biết: “Trước nay tôi vẫn nghe người dân thôn Đồng Lá phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác, đến đầu năm 2021, tình trạng ruồi muỗi, mùi hôi thối đã lan sang cả thôn Thác Cát khiến dân chúng phải “sống chung với ruồi”.
Cả ngày lẫn đêm đều thấy ruồi bay khắp nhà, đặc biệt là khu vực bếp, gia đình tôi rất ngại khi khách đến nhà vì ruồi nhặng bâu đầy người. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình. Mong sao các cấp chính quyền sớm có giải pháp xử lý tình trạng này để bà con đỡ khổ”.
Được biết, năm 2016 tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án trung tâm xử lý chất thải rắn tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Vũ Oai, Hòa Bình (thuộc huyện Hoành Bồ cũ, nay là TP Hạ Long) và khu 7B phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả).
Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Indevco làm chủ đầu tư với “sự hứa hẹn” có thể xử lý 900 tấn rác/ngày và 3,6 tấn chất thải rắn y tế/ngày nhờ công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến, quy mô lớn nhất Việt Nam cho ra lượng rác còn lại sau đốt chỉ phải xử lý chôn lấp không quá 5%.
Tuy nhiên sau nhiều năm khởi công xây dựng, trung tâm vẫn chưa được vận hành đưa vào sử dụng. Rác thải của TP Hạ Long và TP Cẩm Phả vẫn chủ yếu được tập kết về trung tâm theo phương thức chôn lấp. Từ 1/5/2021, nhà máy dừng hẳn tiếp nhận rác khiến TP Hạ Long và TP Cẩm Phả “bế tắc” trong việc xử lý rác thải rắn của 2 địa phương.
Trước đó, lượng rác của 2 thành phố đổ về trung tâm từ năm 2016 đến nay đã lên tới 860.000 tấn đang tự phân hủy và “đầu độc” môi trường nghiêm trọng.
Trước tình thế không thể để rác thải ứ đọng trong đô thị TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cho một doanh nghiệp là Judenco (tiền thân là thành viên của Tập đoàn Indevco) xử lý tạm thời rác thải sinh hoạt của hai địa phương.
Đến nay Công ty Judenco đã thi công xong bãi rác tạm tại xã Hòa Bình (TP Hạ Long) và tiếp nhận rác thải rắn của TP Hạ Long. Tuy nhiên, bãi rác tạm này chỉ được xem như một giải pháp tình thế, đồng thời cũng gây không ít ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân xã Hòa Bình.
Đã đến lúc chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần phải có biện pháp hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng này, không thể để đô thị trung tâm Hạ Long đạt tiêu chuẩn là đô thị loại 1 mà rác thải không được xử lý, người dân phải sống chung với ô nhiễm như vậy được.