Những ngày đặc biệt trong khu cách ly
“Báo cáo chỉ huy, thêm 1 ca F1 chuyển thành F0” - đây là trường hợp F0 thứ 17 trong khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô tại đợt dịch này, tính đến ngày 19/5.
Và đây cũng là lần đầu tiên khu cách ly ghi nhận nhiều nhất trường hợp F0, vì vậy, cán bộ, nhân viên luôn phải giữ an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo trong khu.
Ứng phó khi F1 thành F0
9h30 sáng, khi đang chỉ đạo về công tác chuẩn bị bầu cử trong khu cách ly tập trung công dân, điện thoại của Đại tá Đoàn Vũ Thắng - Khung trưởng Khung quản lý cách ly tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đổ chuông liên hồi. Linh cảm của một người lính dày dặn kinh nghiệm trên mặt trận phòng chống dịch, vừa nghe điện thoại, Đại tá Thắng vừa vội vàng chạy tới cổng khu cách ly. Đầu dây bên kia, cách đó 30 m, bác sĩ Phùng Tiến Đạt - bác sĩ Trung tâm y tế Sơn Tây hiện đang thực hiện nhiệm vụ trong cách ly thông tin: “Báo cáo chỉ huy, thêm 1 ca F1 chuyển thành F0”.
Ngay sau đó, Đại tá Thắng đã khẩn trương báo cáo lãnh đạo cấp trên. Phía trong khu cách ly, bác sĩ Đạt cùng toàn bộ nhân viên y tế thực hiện các bước tiếp theo. Trường hợp F1 thành F0 được di chuyển xuống phòng cách ly đặc biệt, tại đây, bác sĩ Đạt thực hiện điều tra dịch tễ ban đầu, đồng thời động viên bệnh nhân giữ bình tĩnh. Nhân viên y tế tiến hành các biện pháp khử khuẩn tại khu vực phòng của trường hợp F1 thành F0.
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đạt cho biết, việc điều tra dịch tễ ban đầu đôi lúc cũng gặp nhiều khó khăn, do người bệnh khi nhận thông tin mình bị dương tính với SARS-CoV-2 thường mất bình tĩnh. Chính vì vậy, tôi phải trò chuyện, động viên và hỏi tỉ mỉ, cặn kẽ để người bệnh chia sẻ đầy đủ thông tin, phục vụ cho công tác truy vết F1, F2.
“Trong đợt cách ly lần này, đây là ca F1 lên F0 thứ 17. Chúng tôi thực hiện đúng các phương pháp phòng hộ, đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với người bệnh nên tôi rất bình tĩnh khi làm việc, xử lý các thủ tục ban đầu đối với các trường hợp F0. Sau khi hoàn tất các thủ tục, chúng tôi sẽ viết giấy chuyển viện cho bệnh nhân” - bác sĩ Đạt nói.
Toàn bộ những người ở phòng có F1 thành F0 sẽ được CDC tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm một lần nữa. Ví dụ như đối với ca F0 thứ 17 này, ngay trong chiều 19/5, CDC Hà Nội vào lấy mẫu tất cả những người trong phòng một lần nữa, đồng thời những người này sẽ được tính thời gian cách ly lại từ đầu (kể từ khi có ca F0 là ngày thứ nhất).
Bác sĩ Đạt cho biết, đây là lần thứ tư bác sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, đây cũng là lần đầu tại khu cách ly có số F0 nhiều nhất trong 4 đợt dịch. Đồng thời, các biến chủng lần này cũng phức tạp và có sự lây lan nhanh hơn rất nhiều. Chính vì vậy, bác sĩ Đạt và toàn bộ cán bộ, nhân viên làm việc trong khu cách ly đều phải thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ, tránh lây nhiễm chéo.
Hết lòng vì dân
Trò chuyện với Đại uý Lê Đức Thiện, nhân viên quân y của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, chúng tôi được biết, công việc của anh em trong khu cách ly trong ngày khá vất vả và phải đi lại rất nhiều do đặc thù cách ly.
Mỗi ngày, cán bộ, nhân viên khu cách ly phải đảm bảo 3 bữa ăn, các bữa ăn được phát đến tận phòng cho người dân, thực hiện dọn vệ sinh, thu gom rác thải các tầng, phun khử khuẩn các tầng, các khu vực, đo thân nhiệt toàn bộ người cách ly ngày 2 lần, hỗ trợ công dân trong các trường hợp cần thiết.
Trước cửa mỗi phòng đều có giấy dán số điện thoại của cán bộ, nhân viên quản lý để người dân có thể liên hệ ngay khi cần thiết. Thậm chí, từ những việc nhỏ như em bé muốn đổi bữa ăn, bữa sữa,… anh em ở đây đều hỗ trợ người dân.
Đại uý Thiện cho biết, những người bị cách ly tâm lý khá hoang mang, cán bộ, nhân viên vừa phải giữ khoảng cách, vừa phải tìm cách ổn định tâm lý, làm cho họ vui vẻ. Cả các cháu cũng thế, chúng tôi rất thương các cháu, luôn động viên cứ yên tâm, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang thì lây nhiễm sẽ hạn chế rất nhiều. “Người dân từ nhiều nơi về đây, có nhiều hoàn cảnh khác nhau, mình cố gắng làm sao giúp đỡ cho dân cái gì tốt nhất, chan hòa với dân anh chị ạ” - Đại uý Thiện cười và nói.
Đợt cách ly này, khu có một số cụ già, các cụ lại có bệnh nền nên sức khoẻ cũng khá yếu. Ngay khi tiếp nhận, đơn vị đã sắp xếp các cụ vào tầng 1 để tiện sinh hoạt. Vài ngày trước, có một cụ già bị ung thư giai đoạn cuối, chúng tôi cũng đề xuất cho cụ chuyển vào bệnh viện để có điều kiện chữa bệnh và cách ly tốt hơn.
Chia sẻ thêm về ý thức của người dân trong khu cách ly, Trung úy Lê Minh Công, Trung đội trưởng tại Tiểu đoàn Thông tin 610, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, sau khoảng hơn 10 ngày phục vụ trong này, Trung uý Công thấy người dân đều có ý thức tốt về công tác phòng chống dịch.
Tất cả đeo khẩu trang cả trong phòng hay đi ra ngoài gần như 24/24h, trừ ăn uống, tắm rửa. Ban ngày, mọi người ở trên phòng, buổi chiều thì xuống tập thể dục dưới sân nhưng vẫn giữ khoảng cách tốt cho chính bản thân và mọi người xung quanh.
Gần 1.000 trường hợp đang thực hiện cách ly
Đại tá Đoàn Chí Thắng, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đợt cách ly này trường tiếp nhận 969 công dân của địa bàn Hà Nội, tính đến nay đã ghi nhận 17 trường hợp F1 thành F0. Trong quá trình tổ chức thực hiện những trường hợp có liên quan đến ho, sốt, khó thở thì có phòng y tế tổ chức cách ly đặc biệt, bác sĩ chuyên môn sẽ khám, nếu có triệu chứng sẽ cho chuyển viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bộ phận khu quản lý cách ly thường xuyên quán triệt nhắc nhở người dân không tụ tập đông người, không đi từ phòng nọ sang phòng kia để tránh lây nhiễm chéo.
Trong công tác khử khuẩn, đối với công dân, cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm quy định khử khuẩn phòng chống dịch của Bộ Y tế. Trong thu dọn vệ sinh rác thải tại khu vực có bộ phận chuyên môn, có xe chở rác của y tế Sơn Tây đưa ra khu vực quy định chứ không để trong khu vực cách ly. Đối với công dân khi vận chuyển tất cả hàng hóa hoặc đồ dùng thiết yếu có liên quan đều tiến hành khử khuẩn theo quy định.
Trong điều kiện công dân cách ly tập trung thì nhiều hoàn cảnh, có những cháu bé, thậm chí dưới 6 tháng tuổi theo mẹ đi cách ly. Trong khu vực cách ly điều kiện không thể giống bên ngoài do vậy chúng tôi rất chia sẻ, báo phục vụ hậu cần để đăng ký khẩu phần ăn phù hợp cho cháu. Thứ hai là có căng tin phục vụ sữa uống theo quy định y tế được phép, sẽ liên hệ để đảm bảo cho các cháu.
“Cán bộ chiến sĩ phục vụ trong khu vực cách ly luôn xác định hoàn thành nhiệm vụ là trên hết. Trưa tháng 5, thực sự khi nhìn cảnh tất cả vì công dân cách ly, các chiến sĩ, nhân viên đẩy từng xe cơm, xách từng túi nước lên khu trung tâm, chúng tôi – những người quản lý cũng rất cảm động. Quần áo toát mồ hôi nhưng với tinh thần trách nhiệm vẫn phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình” - Đại tá Thắng nói và cho biết thêm. Ngay khi đợt dịch Covid-19 này bùng phát, sau một vài ngày, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã yêu cầu nhà trường bắt tay vào thực hiện ngay và sẵn sàng tiếp nhận công dân cách ly.
Với tinh thần chủ động, xung kích đi đầu, tận tụy phục vụ bà con nhân dân như người thân của mình, cán bộ, nhân viên của nhà trường, bác sĩ của Trung tâm y tế Sơn Tây cũng như Bệnh viện Sơn Tây đã làm rất tốt việc tiếp nhận, cách ly công dân. Đến giờ phút này phải nói là tinh thần, tư tưởng của bà con công dân cách ly, về là bà con rất yên tâm, rất hợp tác với đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ để thực hiện cho đúng đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Đợt cách ly này khác những đợt trước là người dân phải đóng tiền cách ly, chủ yếu là tiền ăn. Chính vì tiền của công dân nên cán bộ, nhân viên phải cân đối, sắp xếp, lên thực đơn hàng ngày, hàng tuần đảm bảo đúng đủ tiêu chuẩn cho bà con, làm sao chất lượng bữa ăn tốt nhất. Việc bảo đảm nguồn gốc lương thực thực phẩm đưa vào phải rõ xuất xứ nguồn gốc để khẩu phần ăn, bữa ăn của bà con đảm bảo và an toàn vệ sinh.
Đại tá Đoàn Chí Thắng khẳng định, đối với việc phục vụ, quản lý công dân bên khu cách ly, cán bộ nhân viên của nhà trường, nhân viên y tế của Sơn Tây đã làm hết sức mình. Đến giờ phút này, chưa xảy ra bất kỳ vấn đề gì, đặc biệt là trong việc bảo đảm đời sống cho bà con.